Bật tín hiệu cản trên lãi suất trong mùa “tiền rẻ”

29/09/2020 13:43

Đã sẵn có tín hiệu, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẵn sàng bật thêm trong định hướng bình ổn lãi suất vùng thấp để hỗ trợ nền kinh tế qua đại dịch.

Tuần qua, sau thời gian dài, tỷ giá USD/VND có bước tăng khá mạnh trên các thị trường.

Với tỷ giá trung tâm, Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh 27 VND trong tuần. Đáng chú ý hơn, chốt tuần qua, giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã lên 23.192 VND, tăng 16 VND so với tuần trước đó.

Mốc trên đã tạo khoảng cách đáng kể so với mức giá Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào (23.175 VND). Điều này đồng nghĩa với khả năng hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đã tạm dừng, sau khi đã mua ròng khoảng 12 tỷ USD từ đầu năm, đặc biệt trong ba tháng trở lại đây.

Như vậy, sau quãng đi ngang kéo dài, tỷ giá USD/VND đã tăng trở lại. Điều này không gây bất ngờ khi đồng USD vừa có quãng bật mạnh trên thị trường thế giới, trong khi chênh lệch lãi suất VND với USD đã có những quãng âm trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua.

Tuần vừa qua, lãi suất VND các kỳ hạn ngắn như qua đêm, 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì trạng thái "tiền rẻ" kèo dài thời gian qua, trong khoảng 0,15 - 0,18%/năm.

Mức độ "tiền rẻ" trên thị trường này còn thể hiện rõ, khi theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, có những phiên lãi suất VND qua đêm chỉ còn 0,1%/năm, tiếp tục thấp kỷ lục trong nhiều năm.

Bật tín hiệu cản trên lãi suất trong mùa “tiền rẻ” - Ảnh 1.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang nối dài mùa "tiền rẻ"

Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động VND tiếp tục trượt thêm thời gian gần đây, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong khi tiền gửi vẫn tăng khá thì tín dụng chỉ ở mức thấp dù đã đi 3/4 quãng đường năm nay.

Trong bối cảnh đó, "tiền rẻ" đang thể hiện, lãi suất tăng chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, thị trường vẫn có và dự kiến sẽ có thêm (nếu cần) các tín hiệu sẵn sàng bình ổn.

Đó là, suốt từ tháng 5 rồi tháng 7 đến nay, sau các lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhất là sau khi mua vào lượng lớn ngoại tệ, kênh hỗ trợ nguồn vẫn luôn bật sẵn tín hiệu.

Cụ thể, trên thị trường mở (OMO), suốt từ bấy đến nay nhà điều hành vẫn mở cửa, chào thầu đều đặn 1.000 tỷ đồng mỗi phiên, sẵn sàng bơm ra hỗ trợ nếu có tổ chức tín dụng (TCTD) nào cần, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm. Dĩ nhiên là hầu như không có nhu cầu và giao dịch phát sinh.

Dĩ nhiên, vì thanh khoản hệ thống dồi dào, các TCTD vẫn giao dịch vay - cho vay trên liên ngân hàng với lãi suất thấp hơn nhiều, như kỳ hạn tương ứng 1 tuần chỉ quanh 0,2%/năm thời gian qua. Theo đó, mức 3%/năm nói trên mà Ngân hàng Nhà nước chào thầu trở nên quá đắt đỏ.

Dù vậy, trên OMO, tín hiệu sẵn sàng tạo nguồn bình ổn vẫn luôn mở, ngay cả sau khi Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng lượng lớn ngoại tệ đi cùng với lượng VND cung ứng lớn. Mức 3%/năm lãi suất nhà điều hành chào nguồn, dù chênh rất cao so với lãi suất liên ngân hàng hiện nay, vẫn là một cản trên đối với lãi suất trong trường hợp nếu có đảo chiều tăng lên trong tương lai.

Bật tín hiệu cản trên lãi suất trong mùa “tiền rẻ” - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào cung trên OMO nhưng vẫn là những phiên không có nhu cầu và phát sinh giao dịch

Chưa dừng lại đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới đây tiếp tục đưa ra một tín hiệu mới, cũng là một ngưỡng cản trên trong điều tiết nguồn và lãi suất.

Tại họp báo về hoạt động quý III tổ chức tuần qua, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành thanh khoản để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD giảm lãi suất, trong điều kiện cần thiết sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn giúp các ngân hàng giảm chi phí để có thể cho vay với lãi suất ưu đãi".

Thời gian qua, hoạt động tái cấp vốn gần như không hoạt động, do thanh khoản và nguồn vốn thuận lợi và nhu cầu từ các TCTD hạn chế. Tuy nhiên, đây vẫn là kênh hỗ trợ nguồn đáng chú ý, với các cửa tiếp cận quy mô lớn như tái cấp vốn qua trái phiếu VAMC, qua hồ sơ tín dụng… Lãi suất ở đây theo đó cũng là một cản trên mà nhà điều hành cho biết sẽ bật tín hiệu giảm, trong điều kiện cần thiết.

Trước đó, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã từng gợi mở: "Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm".

Theo Minh Đức

BizLIVE