Chuyên gia khuyến cáo không sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, tránh đầu tư phong trào

13/11/2020 17:04

Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có cả cơ hội lẫn rủi ro, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi tham gia để tránh đầu tư theo phong trào, tránh để không bị thua lỗ lớn. Đây là lưu ý tại Tọa đàm “Bình thường mới – Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11/2020.

Đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào cho hiệu quả luôn là câu hỏi, là sự suy tính của mỗi nhà đầu tư và cũng là chủ đề trao đổi của các chuyên gia tại tọa đàm như ông Nguyễn Tú Anh (Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương), ông Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), bà Nguyễn Thùy Dương (Chủ tịch HĐQT CTCP tư vấn EY Việt Nam), ông Lê Đức Khánh (Giám đốc phân tích CTCP chứng khoán VPS), ông Khổng Đức Khánh (Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ VietinBank), luật sư Phạm Duy Khương (Giám đốc điều hành ASL LAW).

Covid đã tạo ra sự thay đổi lớn trong xu hướng đầu tư. Theo chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS.Cấn Văn Lực thì có 6 xu hướng đầu tư và kinh doanh mới. Trong đó nổi lên xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư và đầu tư vào những tài sản an toàn hơn; xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) đã và sẽ tăng mạnh, đó là xu thế kinh doanh số; thay đổi chuỗi cung và chuỗi giá trị, đó là nhu cầu phòng dịch và nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng.

Chuyên gia khuyến cáo không sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, tránh đầu tư phong trào - Ảnh 1.

Tổng nhu cầu đầu tư vàng và giá vàng giao ngay trên thế giới (tấn, USD/ounce). (Nguồn: Hiệp hội Vàng thế giới, tháng 11/2020)

Từ sự thay đổi về xu hướng đầu tư, TS.Cấn Văn Lực chỉ ra 5 cơ hội đầu tư. Đó là cơ hội đầu tư – kinh doanh số, khi nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử… Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như logistic giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms)…

Thứ hai, cơ hội từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là các nước quan tâm đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu…

Thứ ba, cơ hội đầu tư – kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường.

Thứ tư, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư và các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thứ năm, là nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán (TTCK) và bất động sản dù đây vẫn là những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu Chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh cho rằng, bối cảnh bình thường mới dù rủi ro hơn nhưng thanh khoản đang lớn hơn tạo ra các cơ hội. Đầu tư dài hạn lúc này tốt hơn ngắn hạn. Chính phủ đã và đang hỗ trợ những ngành có độ lan tỏa lên toàn nền kinh tế, đây chính là các ngành trọng điểm nên đầu tư như nông nghiệp hay ngành điện tử...

Để quyết định đầu tư vào đâu thì cần phân tích đến xu hướng trong thời gian tới xem ngành nào, lĩnh vực nào sẽ phát triển tốt. Theo thông tin từ ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán VPS, tỷ giá đang ổn định, các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng dự báo có thể rục rịch tăng trở lại từ cuối quý II, đầu quý III/2021.

Lãi suất phát hành TPCP giảm mạnh nhưng dự báo nguồn cung TPCP trong năm 2021 sẽ gia tăng với lượng phát hành tối thiểu sẽ ở mức 300 nghìn tỷ đồng (lượng phát hành năm 2020 là 260 nghìn tỷ đồng).

Chuyên gia khuyến cáo không sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, tránh đầu tư phong trào - Ảnh 2.

Theo ông Khánh, thị trường chứng khoán sẽ đạt đỉnh mới. Tuy khối ngoại đang bán mạnh nhưng khối nội mua vào cũng mạnh và chỉ số trên thị trường chứng khoán đang ở mức cao. Dự báo, trong quý IV, VN-Index sẽ dao động trong vùng 960 - 1.000 điểm với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là 880 và 900 điểm.

Và cơ hội đầu tư trong năm 2021 sẽ là ngành sản xuất thiết yếu và ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách điều hành nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Cụ thể, quá trình đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng từ nước ngoài, quá trình công nghiệp hóa, số hóa của nền kinh tế nội địa và quá trình đô thị hóa trong tương lai đều sẽ yêu cầu những yếu tố đầu vào thiết yếu như: điện, nông nghiệp, vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép,…).

Nhấn mạnh đến xu hướng kinh tế số trên thế giới, bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Thị trường số là thị trường mở ra một cách công bằng cho bất cứ ai.

Nhưng để là nhà đầu tư thông minh, bà Dương đưa ra một số lưu ý cần cân nhắc khi đầu tư tài sản cá nhân trên không gian số đó là: Chi phí cũng như nguồn thu tương ứng với tài sản, rủi ro khi cung cấp tài sản và các biện pháp phòng tránh rủi ro tương ứng, vấn đề về cạnh tranh trên thị trường số so với thị trường vật lý, quyền sở hữu trí tuệ (nếu cần thiết), vấn đề an toàn bảo mật thông tin và sự uy tín của đơn vị kết nối.

Tại tọa đàm này, các chuyên gia đưa ra lời khuyên là không bỏ trứng vào một giỏ, không dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, không đầu tư theo phong trào, tránh tâm lý bầy đàn.

"Dẫu biết bối cảnh hiện này là khó khăn và thách thức với đa phần các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng doanh nghiệp và nhà đầu tư không nên vì thế mà tham gia đầu tư vào các kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đen, đầu tư đa cấp, cho vay qua apps,... Có thể thấy thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã chịu thiệt hại nặng nề do tham gia những kênh đầu tư đầy rủi ro này". TS.Cấn Văn Lực lưu ý.

Theo Linh Ly

Thời báo ngân hàng