Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu với Hà Tĩnh

02/10/2021 10:50

Dù biết Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu đã qua đời ở tuổi thượng thọ nhưng tôi vẫn không khỏi hụt hẫng, nuối tiếc một bậc trí thức mà tên tuổi đã gắn liền với lịch sử, văn hiến Việt Nam.

Sinh năm 1916 trong một gia đình trí thức nghèo ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường (Nam Định), ông Vũ Khiêu đã trải qua tuổi thơ vất vả. Tốt nghiệp tú tài tại Hải Phòng, ông lên Hà Nội làm nghề dạy học và đi theo cách mạng.

Giáo sư Vũ Khiêu từng đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc rồi Tây Bắc (1947 - 1954). Sau giải phóng Hà Nội, ông sang Bắc Kinh học trường Đảng cao cấp (1954 - 1956) rồi trở về giữ chức Phó Tổng Giám đốc TTXVN.

Sau năm 1954, ông chuyển dần từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các trường Đảng và các trường đại học.

vk6-1633146434.jpg
 
Giáo sư Vũ Khiêu tại nhà riêng năm 2009. Ảnh tư liệu

Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học.

Có cơ may được đi cùng Giáo sư trong dịp ông về thăm Hà Tĩnh năm 2008, sau đó lại được ông tiếp chuyện tại nhà riêng ở phố Vạn Bảo - Hà Nội vào năm 2009, đọng lại trong tôi vẫn là hình ảnh người trí thức già mẫn tiệp, dáng dấp cao sang, phong thái nho nhã, một đời tìm kiếm và tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Đặc biệt, niềm tin, niềm kính yêu vô hạn của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp học tập và làm theo gương Bác mãi là bài học quý cho hàng triệu cán bộ đảng viên. Với gần 100 cuốn sách lớn nhỏ và hàng nghìn bài viết về lịch sử, văn hóa, câu đối, minh chuông, ông đã đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vun đắp, gìn giữ văn hóa Việt Nam.

Lúc ông về thăm Hà Tĩnh, dù đã 94 tuổi, song thần thái vẫn cao sang, mẫn tiệp. Trong phút giây ngắn ngủi gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Giáo sư đã đọc hai câu đối do chính tay ông viết lên giấy bằng nét chữ thư pháp:

Hà Tĩnh tự ngàn xưa, đã hiến hiền tài cho Tổ quốc

Việt Nam thời đổi mới, càng vươn trí tuệ hướng tương lai

Ông đã từng nghiên cứu rất nhiều về lịch sử con người và vùng đất Hà Tĩnh nhưng đó là lần đầu tiên ông đến Hà Tĩnh. Trước đó, ông cũng đã có nhiều “nhân duyên” với Hà Tĩnh khi viết văn bia cho nhà bia tưởng niệm lực lượng TNXP và lời minh khắc trên chuông Đồng Lộc đang đúc. Tại Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (TX Kỳ Anh) cũng có một quả chuông trên đó có khắc lời minh của ông.

Thăm Hà Tĩnh, Giáo sư Vũ Khiêu đã chọn điểm đến đầu tiên là Đồng Lộc - địa danh mà mấy tháng trước ông đã ngồi ở Hà Nội viết những lời minh chuông đầy hào khí:

Một tượng đài cao vút hướng thanh thiên

Mười ngôi mộ sáng trưng như bạch ngọc

Tiếng chuông rung khí phách Trường Sơn

Tiếng chuông dội tinh thần Đồng Lộc

Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người

Muôn dặm bừng soi gương vị nước

Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi trong ngày tháp tùng Giáo sư đó là được chứng kiến chuyến thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du của ông. Trước mộ đại thi hào, ông đặt từng bước chân cẩn trọng, nghiêm trang vuốt mái tóc lưa thưa, sửa lại tà áo, nhẹ nhàng rót rượu và dâng hương rồi thì thầm hồi lâu. Khi Giáo sư đặt bút viết những dòng lưu niệm tại khu di tích, bàn tay khẽ khàng giở từng trang viết, gương mặt suy tư, ánh mắt ngời lên, rồi từng dòng, từng dòng hiện lên, gầy guộc mà chất chứa tâm tư.

Khi chúng tôi đi cùng Giáo sư sang nhà thờ Nguyễn Công Trứ, ông nói: Uy Viễn tướng công là một người đa tài, ngoài hoài bão lý tưởng bảo vệ Tổ quốc và dựng xây cuộc sống ấm no cho người dân, danh nhân Nguyễn Công Trứ có một bản lĩnh mà những trí thức đương thời không có, đó là kết hợp hài hoà giữa cá nhân và xã hội. Nguyễn Công Trứ biết phục vụ vua, song cũng biết phát triển và phục vụ cho bản thân, sống thoải mái...

vk7-1633146517.jpg
Giáo sư Vũ Khiêu tại Khu lưu niệm Nguyễn Du, trong chuyến ông về thăm Hà Tĩnh năm 2008. Ảnh tư liệu

Điều đó làm tôi ngạc nhiên bởi thái độ tôn trọng của một bậc trí thức cách mạng khi đánh giá về lối sống phóng túng của cụ Nguyễn Công Trứ.

Lần gặp Giáo sư vào ngày đầu đông năm 2008 đã thôi thúc tôi ra Hà Nội để gặp ông. Lúc đó ông đã 95 tuổi, từng viết 72 cuốn sách và 10 văn bia, câu đối cho các di tích lịch sử trong nước cùng hàng trăm bài phú, bài nói chuyện tại các diễn đàn. Mỗi ngày, ông miệt mài trong lao động cho đến tận 22, 23h đêm, có khi đến 1, 2 giờ sáng hôm sau.

Tôi thích nhất là hai câu đối ông viết treo ở phòng khách: Nước 4.000 năm, nhân ái còn tuôn dòng sữa Mẹ/ Dân tám chục triệu, anh hùng chẳng thẹn tấm lòng Cha. Đây chính là hai câu đối do Giáo sư viết bằng chữ Hán tại đền Hùng.

Ông cũng từng đọc cho tôi nghe 2 câu của Trần Khánh Dư: Ở với lửa hương cho vẹn kiếp/ Thử xem đá sắt có bền gan. Đó là tuyên ngôn sống của ông, người đã theo Bác Hồ những ngày đầu kháng chiến cho đến lúc thanh thản về trời theo gió mây. Và giờ đây, tôi tin ông đã được gặp Bác, gặp những thế hệ cách mạng cùng thời với niềm tin son sắt: Việt Nam sẽ trường tồn mãi mãi, văn hóa Việt Nam sẽ ngày càng tỏa bóng trong đời sống.

Bùi Minh Huệ
Bạn đang đọc bài viết "Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu với Hà Tĩnh" tại chuyên mục Diễn đàn.