GS Vũ Khiêu tặng câu đối cho nhà thờ liệt sĩ Tô Chấn

02/10/2021 18:22

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, năm nay 91 tuổi, đã trân trọng làm đôi câu đối lớn gồm 128 chữ đầy công phu và tâm huyết tưởng niệm cuộc đời oanh liệt của nhà cách mạng và tặng nhà thờ liệt sĩ Tô Chấn.

Đất Hưng Yên địa linh nhân kiệt đã sinh ra những tài danh nổi tiếng trên các lĩnh vực chính trị (như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương...) quân sự (như Nguyễn Thiện Thuật, Trung tướng Nguyễn Bình),  y học (như Hải Thượng Lãn ông - Lê Hữu Trác), văn học nghệ thuật (như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Hoan, Tô Ngọc Vân) v.v...

Trong những chiến sĩ cách mạng kiên cường của buổi đầu thành lập Đảng, riêng thôn Xuân Cầu, tỉnh Hưng Yên đã có những tên tuổi là niềm tự hào của nhân dân Hưng Yên và nhân dân cả nước. Trong các nhà cách mạng ưu tú ấy, có hai anh em ruột Tô Chấn và Tô Hiệu.

Đồng chí Tô Chấn, anh ruột của đồng chí Tô Hiệu thuộc thế hệ cách mạng tiền bối của Đảng ta, sinh năm 1904 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang.

Cụ nội của đồng chí là cụ Tô Ngọc Nữu, Đốc học Nam Định. Khi triều đình Huế ký hiệp ước Giáp Thân 1884 gọi là hòa ước, thực chất là hàng ước Patenôtre, đặt đất nước Việt Nam bị chia làm 3 kỳ dưới sự thống trị của thực dân Pháp, cụ đã phản đối bằng cách từ chức về dạy học.

vk2-1633173655.jpg
Giáo sư Vũ Khiêu

Ông ngoại của đồng chí là cụ Ngô Quang Huy, Đốc học Bắc Ninh, người lãnh đạo có uy tín trong phong trào Bãi Sậy, Hưng Yên, do cụ Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) đứng đầu. Cũng như Nguyễn Thiện Thuật, cụ được Vua Hàm Nghi phong chức Tán Tương Quân Vụ, thường được nhân dân gọi là cụ Tán Ngô hay cụ Tán Bắc. Bà Ngô Thị Lý, mẹ đẻ của đồng chí Tô Chấn, đã có công lớn trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ thời kỳ hoạt động bí mật trước 1945. Các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Tử Bình... thường về Xuân Cầu hoạt động, được bà chăm sóc chu đáo.

Phát huy truyền thống cao đẹp của gia đình và quê hương, đồng chí Tô Chấn đã tham gia cách mạng từ rất sớm. Từ năm 1925, đồng chí tích cực tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức yêu nước cách mạng ở Hà Nội, Sài Gòn và Nam Bộ. Năm 1927, đồng chí tham gia Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học đứng đầu và trở thành đảng viên cốt cán, kiên cường, được cử làm Đảng trưởng kỳ bộ Nam Kỳ.

Tháng 10/1930, khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp xử tử hình, đồng chí được đề cử thay Nguyễn Thái Học và tiến hành mưu sát toàn quyền Đông Dương, vì chúng đang câu kết đàn áp phong trào cách mạng. Việc chưa thành thì đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội, kết án tử hình, sau đó giảm án xuống chung thân, đày đi Côn Đảo.

Năm 1930-1936, trong nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí hăng hái tham gia đấu tranh kiên cường, tích cực học tập, trở thành một đảng viên nổi tiếng có kiến thức uyên bác và trí nhớ tuyệt vời về lý luận Mác-Lênin, được anh em rất tín nhiệm. Đồng chí đã tham gia ban lãnh đạo nhà tù cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng....

Đầu năm 1936, đồng chí được chi bộ nhà tù bố trí vượt ngục Côn Đảo cùng đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác, chẳng may đều hy sinh trên biển.

Đồng chí Tô Chấn cũng là người đã dìu dắt, giác ngộ đồng chí Tô Hiệu và một số thanh niên của làng Xuân Cầu đi làm cách mạng như các ông: Tô Dĩ (Lê Giản - nguyên Giám đốc Nha Công an TƯ), Tô Quang Đẩu - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ...

Tưởng nhớ đồng chí Tô Chấn, những đồng bạn tù tại Côn Đảo đã viết câu đối sau:

“Từ Xuân Cầu chọn hướng đời trai, chí cách mạng Tô hồng trang sử Đảng

 Từ Côn Đảo tìm về Đất Mũi, gương hy sinh Chấn động một vùng trời”.

Năm 2001, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã trao tặng tượng đồng nhà cách mạng Tô Chấn đặt tại nhà thờ họ Tô ở thôn Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên.

Có thể nói đồng chí Tô Chấn hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ (32 tuổi), nhưng đã có những cống hiến lớn lao cho cách mạng và dân tộc kể cả khi tham gia lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng yêu nước cũng như khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, tham gia ban lãnh đạo nhà tù Côn Đảo.

Cho đến nay ngày hy sinh của đồng chí chưa xác định được. Mộ chí cũng không có. Gia đình thường thắp hương tưởng niệm đồng chí vào dịp tết và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Tô Chấn cũng như góp phần giáo dục thế hệ thanh thiếu niên về truyền thống cách mạng, gần đây, Hội đồng hương Hưng Yên tại TP HCM đã chính thức đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Hưng Yên xem xét và đặt một tên đường tại thị xã Hưng Yên mang tên nhà cách mạng Tô Chấn.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày hy sinh của liệt sĩ Tô Chấn, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, năm nay 91 tuổi, đã trân trọng làm đôi câu đối lớn gồm 128 chữ đầy công phu và tâm huyết tưởng niệm cuộc đời oanh liệt của nhà cách mạng và tặng nhà thờ liệt sĩ Tô Chấn:

- Gió Xuân Cầu lồng lộng chí nam nhi, hai chục tuổi lên đường cứu nước! Nào dựng xây tổ chức, nào giác ngộ đồng bào, nào mở rộng phong trào, nào ngược xuôi Nam Bắc, cùng nhân dân gắn bó nghĩa tình. Rồi phải buổi sa cơ mắc lưới, chốn lao lung tay xích chân cùm: Khí tiết vẫn sáng ngời trong sắt thép!

- Hầm Côn Đảo nấu nung gan chiến sĩ, hơn sáu năm đối mặt quân thù. Vẫn vững chắc tinh thần, vẫn đấu tranh bất khuất, vẫn nâng cao kiến thức, vẫn rèn luyện ngày đêm, được Đảng bộ tin giao trọng trách. Cho đến khi vượt biển chìm bè, dù thể phách sóng gió vùi dập: Hồn thiêng còn tỏa rộng giữa trời mây!

 

Nguyễn Hữu Tính