Giáo sư Vũ Khiêu – làm việc cật lực để san sẻ kiến thức

GS. Vũ Khiêu được biết đến là một trí thức lớn, một nhân cách đẹp, một con người có sức làm việc phi thường. Ông được xem là một bậc hiền tài của thời đại Hồ Chí Minh. Ở ông, toát lên sự nho nhã, tinh anh, mới gặp lần đầu đã thấy có sức cảm phục bởi sự dung dị, dễ gần, khả năng suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc.

Được gặp GS. Vũ Khiêu ở những cuộc hội thảo khoa học, rồi dịp kỷ niệm Hà Nội 1.000 năm và những lần ông ra vào TPHCM, trông ông lúc nào cũng trong trạng thái làm việc, có nhiều “đơn đặt hàng”, nhiều lời mời nhưng vẫn rất ung dung. Có lần, ông nói: “Dường như từ tuổi 60 trở đi, mình làm việc có năng suất hơn”. Câu nói ấy làm người trẻ thấy đáng nể và có sức động viên, khích lệ người cao tuổi. Trong thực tế, nhiều người về hưu đã không “buông” mọi việc mà có khi lại vô cùng bận rộn nhưng chủ động hơn, ít xuất hiện ở lễ lạt hơn…

vk090-1633173213.jpg
GS. Vũ Khiêu nhận chiếc đĩa khắc đôi câu đối của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, “Hai bàn tay trắng không vương bụi/ Một tấm lòng son ở với đời”. (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)

Cuộc đời ông là một cuộc hành trình gian lao, sáng tạo và dấn thân cùng đất nước. Sinh ra ở vùng đất học nổi tiếng của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho; 5 tuổi đã biết đọc chữ, đọc thơ bằng chữ Hán; 10 tuổi về Hải Phòng học ở trường Ngô Quyền, xong Tú tài mới về Hà Nội làm việc, rất thông thạo tiếng Pháp. Trong kháng chiến chống Pháp, ông có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950 đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và đã từng làm Giám đốc Sở Văn hóa ở Khu 10 Việt Bắc. Sau này, có thời gian, ông được cử đi học ở Trung Quốc, Hungary. Ông là người khai mở ngành nghiên cứu khoa học xã hội, mỹ học, đạo đức học, lịch sử tư tưởng… Ông là Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam đầu tiên, nguyên Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam.

Ông là giáo sư triết học, mỹ học, tham gia giảng dạy triết học, lý luận khoa học xã hội cho các trường đảng và trường đại học. Ông đã viết trên 30 đầu sách, cùng biên soạn trên 30 đầu sách về mỹ học, đạo đức học, văn hóa học…, như: Đẹp (năm 1963), Anh hùng và nghệ sĩ (1972), Cách mạng và nghệ thuật (1979), Con người mới Việt Nam và sứ mệnh vinh quang của văn nghệ (1980), Bàn về văn hiến Việt Nam (2000), Trường Sơn máu lửa, Vạn đại anh hùng, Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam (2012)… Ông đã từng dịch tác phẩm Rừng thẳm tuyết dày của Khúc Ba (Trung Quốc).

GS. Vũ Khiêu gắn bó với Thăng Long – Hà Nội từ năm 1935 và còn được gọi là nhà Thăng Long học. Ông là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho bộ sách trăm cuốn do Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội ấn hành. Ông đạt giải về sáng tác Văn bia truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nói về viết văn tế, đặt các bài phú, làm các câu đối thì khó ai qua được GS. Vũ Khiêu. Ông là người đã viết bài Truy điệu những lương dân chết đói 1945, Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng tháng Tám. Nhiều câu đối ông dành tặng cho quê hương, các địa phương, các nhân vật được nhiều người truyền tụng…

GS. Vũ Khiêu tâm đắc về việc xây dựng một xã hội học tập, ai cũng được học và học cả đời. Ông cho rằng mình đã noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh để không ngừng phấn đấu vươn lên. Điều ông muốn để lại sau trong cả cuộc đời mình là kiến thức. Ông cho rằng mình làm việc cật lực để “san sẻ những kiến thức với tất cả mọi người, khích lệ họ học hỏi nhiều hơn về những giá trị chân - thiện - mỹ, thiếu hụt những tri thức khoa học xã hội, tâm hồn con người sẽ cằn cỗi, phẩm chất tốt đẹp của con người sẽ tiêu vong”. Ông đặt vấn đề: Cái đẹp là phạm trù mang tính nhân loại, là sự thống nhất giữa chân - thiện - mỹ. Đẹp chính từ sáng tạo của con người. Tài năng của con người là cái đẹp trong mọi cái đẹp. Với về nghề văn, ông tâm niệm: Phải có xúc động chân thành, sâu sắc và tư tưởng rộng lớn khi cầm bút.

vu-khieu-011021-2a-1633173287.jpeg
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm GS. Vũ Khiêu. (Ảnh: Cand.com.vn)

Phần lớn cuộc đời, ông đã sống trong điều kiện vật chất eo hẹp và từ chối nhiều lần khi được phân nhà theo tiêu chuẩn và chọn cho mình nếp nhà thanh bạch. Có lúc cả gia đình sống trong căn hộ 20 m2, có lúc được 58 m2, mãi đến sau này về Mỹ Đình ở cùng con cháu thì khá hơn. Bốn người con của ông đều là những người thành đạt nhờ tri thức.

Cuộc đời GS. Vũ Khiêu đi qua hai thế kỷ, là hiện thân của sự hòa quyện chính trị và văn hóa. Vào dịp sinh nhật ông ở tuổi 95, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tặng câu đối đầy ý nghĩa: “Triết gia trong cách mạng/ Nghệ sĩ giữa anh hùng”. Ông được phong Anh hùng Lao động, tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Công dân ưu tú của thủ đô… Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng ông hai câu đối với lời lẽ rất đẹp: Hai bàn tay trắng không vương bụi/ Một tấm lòng son ở với đời.

Có lần khi được hỏi giáo sư định làm việc khi nào nghỉ, ông trả lời: Cho tới 110 tuổi mới thôi nhưng còn sống năm tháng nào là làm việc hết năm tháng đó, sống chết là việc của trời. Tác phẩm gần nhất được xuất bản năm 2018 là quà tặng cho Thăng Long - Hà Nội, bộ sách Văn hóa Thăng Long 3 tập, dày 2.400 trang. Được biết, 4 năm nay, sức khỏe ông yếu dần và lúc sau này thì giao tiếp bằng bút.

Ông nhận được nhiều lời ca ngợi bởi ở con người ông, sự lao động can trường và rèn luyện không mệt mỏi xứng đáng được tôn vinh như thế và hơn thế. GS. Vũ Khiêu - một đại trí thức Việt Nam - có phong thái tư duy sắc sảo, là tấm gương lao động sáng tạo, chiến thắng thời gian, chiến thắng cái hữu hạn của cuộc đời và đạt nhiều kỳ tích trong hành trình gắn bó cùng đất nước. Ông là tấm gương truyền cảm hứng về sức sống, sức làm việc, về nhân cách, về tầm vóc trí tuệ, về những giá trị nhân văn dành tặng cho đời.

Giờ thì GS. Vũ Khiêu đã đi về cõi khác. Ông từ biệt thế giới này khi bước qua tuổi 106 được 11 ngày. Mãi nhớ về ông với tất cả sự trân trọng. Xin kính cẩn tiễn biệt ông.

Phạm Phương Thảo

Link nội dung: https://vukhieu.vn/giao-su-vu-khieu-lam-viec-cat-luc-de-san-se-kien-thuc-a5828.html