GS Vũ Khiêu - một trong những biểu tượng sống của văn hóa Việt Nam

Hồi mới ra Trường, về công tác ở Viện Văn học, cùng trong một cơ quan lớn: Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam với GS Vũ Khiêu (lãnh đạo Viện Triết); chúng tôi đọc những bài báo, những cuốn sách của GS Vũ Khiêu. Hồi ấy, chiến tranh, những năm 60 - sách ít nhưng rất nhiều người đọc.

Cuốn Đẹp (1963) của Vũ Khiêu, một cuốn sách Mỹ học, một bộ môn khoa học mới mẻ hồi ấy, được rất nhiều người đọc, in hàng vạn bản. Nhưng tôi thích nhất các bài về Cao Bá Quát, về Ngô Thì Nhậm của ông. Đó là những phát hiện mới, rất công phu về các nhà thơ, nhà văn hóa lớn này của dân tộc.

Trước đó, người ta biết đến các nhân vật văn hóa này rất ít, chủ yếu chỉ qua một số bài thơ được truyền tụng, một ít giai thoại. Vũ Khiêu đã cùng với các nhà Nho lão thành, rất giỏi chữ Hán còn sót lại như Nguyễn Văn Tú, Hoàng Tạo, Đỗ Ngọc Toại… khảo cứu và phiên dịch thơ văn chữ Hán của họ, trên cơ sở đó in thành Tuyển tập và viết bài nghiên cứu.

gsvukhieu-1633175229.jpg
Tranh chân dung Giáo sư Vũ Khiêu.

Bài nghiên cứu do đó, trước hết, nó có độ tin cậy rất cao về dẫn liệu. Nhưng với tầm kiến thức triết học, mỹ học, văn hóa, văn học… vững vàng, sâu sắc, Vũ Khiêu với văn phong điềm đạm, chắc chắn của một nhà nghiên cứu, điều hòa với cái trữ tình nồng nàn trong con người nghệ sĩ của anh, đã làm bài văn có sức cuốn hút lạ thường. Những câu văn đẹp và lắng sâu, những suy nghĩ lớn về nhân dân, thời đại. Những câu văn hiểu đời, hiểu người. Viết về một người mà động tới cả một thời, nói người xưa mà để nói thời nay chúng ta đang sống. Nhưng không phải là cách nói “cao giọng”, “xã luận”… mà là những lời nhẹ nhàng, trầm ấm đúng y như tính cách của người viết.

Vũ Khiêu thuộc lớp người sinh sau những Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu… Trong khi các vị ấy đã có chỗ đứng, đã có văn phong riêng trong văn đàn… thì Vũ Khiêu lặng lẽ chọn cho mình một lối đi riêng.

Riftin - Viện sĩ Nga có nói một câu hơi hài hước: “Tôi hỏi người nghiên cứu văn học Việt Nam nào là đang nghiên cứu gì, ai cũng nói mình đang nghiên cứu Truyện Kiều, Nguyễn Du”! Vũ Khiêu phát hiện và chọn Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, những đề tài mới…

Sau bài nghiên cứu của Vũ Khiêu (và tất nhiên cũng phải kể nhiều bài của các tác gia khác), vị trí của Ngô Thì Nhậm trong văn học, trong lịch sử, trong đôi mắt yêu thương trân trọng của thời chúng ta, được định đoạt. Chế Lan Viên nói: “Viết về Ngô Thì Nhậm thì Vũ Khiêu là nhất” (Chế Lan Viên có bài thơ về Tả Thanh Oai - và anh có đánh giá rất riêng, rất lạ: về công giữ nước Ngô Thì Nhậm sánh cùng Nguyễn Trãi - chắc anh nghĩ đến “nước cờ Tam Điệp” và chiến dịch “ngoại giao” đẩy lùi mưu đồ động binh 9 tỉnh đánh trả thù của Càn Long).

Tôi may mắn được đọc, được sự gợi ý trong bài nghiên cứu đó của anh mà làm luận án TS (lúc đó là năm 1983, là PTS đặc cách) và anh là một trong những người chấm luận án (cùng với Đinh Gia Khánh, Văn Tân, Phạm Huy Thông, Trương Chính…). Thật là một vinh dự đối với tôi.

Về Cao Bá Quát cũng vậy. Bài viết của anh là sự “chiêu tuyết” cho Cao Bá Quát, khẳng định tâm - đức - tài… của đại thi hào họ Cao, với một lời văn nồng nàn tri âm - tri kỷ. Chính từ công trình của anh, mà chúng tôi kế thừa và làm Cao Bá Quát toàn tập (đã ra tập I và 2 tập tư liệu đính kèm, tập II, TTNCQH đang hoàn thành).

Anh là người dẫn đường, là bậc thầy của các nhà nghiên cứu cổ học như chúng tôi.

Vũ Khiêu còn là tác giả rất nhiều sách khác, viết về nền văn hiến mấy ngàn năm của dân tộc (Văn hiến Việt Nam, 3 tập, 1996), về Nho giáo, về trí thức, “anh hùng và nghệ sĩ”, về Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu… và ở đâu, cùng với sự phong nhã, điềm đạm, cao sâu, ở đâu cũng với lòng son không đổi đối với đất nước, nhân dân ấy…, ông đã để lại cho đời một biểu tượng sống của văn hóa Việt Nam. Đó là mẫu người thu góp tinh hoa quá khứ, tinh hoa phương Đông, tinh hoa thời đại…, để đem lại những trang văn giúp ích cho đời. Ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I, 1996), được phong Anh hùng lao động (2000), thật là xứng đáng.

Nhưng dường như công việc nghiên cứu chưa “trổ” hết tinh anh và hứng thú, anh kiêm cả lĩnh vực sáng tác văn nghệ. Từ trước Cách mạng Tháng Tám, Vũ Khiêu đã nổi danh từ chương cổ điển với những bài phú (Hương trầm, phú, 1946).

Phú là thể loại khó làm nhất là trong văn chương cổ. Thơ (theo niêm luật đã khó) mà phú còn khó hơn vì nó là loại văn xuôi có nhịp,… đối dài hơi, phức tạp, người ít được rèn giũa lâu dài, cẩn thận, không làm được. Nhưng Vũ Khiêu lại rất “thiện nghệ” trong thể loại cao cấp này. Và từ đó, ông chuyển sang làm câu đối.

Câu đối của Việt Nam có truyền thống hàng ngàn năm, và bao nhiêu người lưu danh thiên cổ vì có những câu đối được truyền tụng. Câu đối thời cận đại, thời bi tráng, huyết lệ… rất trầm hùng, khích liệt, tâm huyết. Vũ Khiêu làm hàng trăm câu đối, cao hứng mà làm cũng có, “hiếu hỉ” cũng có, nhưng câu nào cũng điệu nghệ và nặng trĩu lòng đời…

Câu đối tại đền thờ Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu (thành Cửa Bắc):

Trung vị quốc, nghĩa vị dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt
Sinh ư Nam, tử ư Bắc, thiên thu chính khí vượng sơn h
à

Câu đối tặng nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh (năm Cụ 70 tuổi):

Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại
Bảy tuần thưởng tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi

Câu sau Cụ treo ở bàn thờ vợ, không nói gì đến mình cả, nhưng từng chữ từng lời đều có mình ở trong:

Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối
Một nhành mai nhỏ thức thâu canh

Bài văn ông viết cho Ngày giỗ tổ Hùng Vương, mấy ai viết được!

Cũng là cách chơi từ chương, nhưng Vũ Khiêu là người nghệ sĩ độc đáo và tài năng nổi trội. Ngô Linh Ngọc, vừa là anh vừa là bạn vong niên của tôi (đã mất), một người rất sành từ chương như thơ, câu đối..., cũng là bạn Vũ Khiêu, phục tài Vũ Khiêu và tôn xưng Vũ Khiêu như bậc đàn anh, chơi với anh thắm thiết...

Tôi và GS Vũ Khiêu có nhiều kỷ niệm không quên. Thời ở miền Bắc, lúc đó anh từ Giám đốc Thông tin - Văn hóa các Khu 3, Tây Bắc, Việt Bắc trong rừng kháng chiến 9 năm về làm lãnh đạo, anh cách chúng tôi gần 3 thập niên tuổi tác và một cuộc chiến tranh, nhưng anh xem và thương chúng tôi như em, rủ làm công trình khoa học một cách bình đẳng, dân chủ (thật hiếm có trong cơ chế quan liêu của ta!). Anh trân trọng những mầm non nghiên cứu và bao giờ cũng đôn hậu, động viên tuổi trẻ.

Lúc ở Viện Triết những năm 60, những năm bao nhiêu sóng gió, anh vẫn vững vàng, tin yêu, trọng hậu... nên càng ngày anh càng được tín nhiệm. Anh phụ trách một Viện lớn (Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH), rồi sau 1975 anh vào Nam, cùng với các đồng chí trong này lo cho văn hóa - cho nghiên cứu khoa học xã hội của một thời ngổn ngang...

Tôi nhớ nhất hai kỷ niệm: lần tôi nhờ mẹ tôi đổi tiền giúp cho anh hồi “đổi tiền”, đem đến 79 Nguyễn Đình Chiểu đưa anh, anh đang họp với lãnh đạo Trung ương, vội đến mức chỉ kịp cầm tiền, nói: “Tôi đang họp vội quá, gặp sau nhé!”; lần thứ 2, là ”phò” thầy tôi, GS Cao Xuân Huy đi gặp anh để giải quyết việc anh Cao Xuân Hạo bỏ cơ quan vào Nam. Cụ Huy nói: “Tôi chỉ có một đứa con trai là thằng Hạo, nó có bề nào thì tôi chết mất”.

Nhờ Vũ Khiêu, nhờ các anh khác, vụ ấy giải quyết êm, anh Hạo về Viện Khoa học Xã hội, lúc ấy do anh Vũ Khiêu phụ trách. Còn bao nhiêu kỷ niệm nữa, như những ngày bom B52, anh ở nhờ cơ quan, còn tôi nấp ở Viện Hán Nôm, cùng trong nhà 26 Lý Thường Kiệt hoang vắng và xao xác chờ đợi, trong khi B52 ném ở Tổng lãnh sự quán Pháp, hay cả ở Khâm Thiên, gần đó.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học thành lập và hoạt động với sự chỉ đạo của Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Trần Bạch Đằng và Vũ Khiêu. Anh hiện là Chủ tịch Hội Đồng Khoa Học. Anh chủ trì các buổi họp của Hội Đồng và anh kết luận về công tác của chúng tôi để báo cáo với các Bộ hữu quan. Nhờ sự tận tình giúp đỡ đó, mà Trung tâm đã quy tụ được người Nam - Bắc, trong - ngoài, đã làm ngót 100 công trình và ra được Tạp chí Hồn Việt (đã 39 số), được bạn đọc yêu quý, cộng tác.

Anh bao giờ cũng là người anh, người thầy, người chỉ đạo, tuy lặng lẽ nhưng vô cùng quan trọng với chúng tôi.

Tự đáy lòng, chúng tôi xin nói lên lời biết ơn anh và kính chúc anh sức khỏe, dẻo dai, nhích dần đến mức đại thọ bách niên, để thỏa lòng mong đợi của lớp hậu sinh.

GS.TS Mai Quốc Liên

Link nội dung: https://vukhieu.vn/gs-vu-khieu-mot-trong-nhung-bieu-tuong-song-cua-van-hoa-viet-nam-a5834.html