Giáo sư Vũ Khiêu và đôi câu đối tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một ngày đầu năm 2015, trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sơn gọi tôi sang phòng làm việc, giao nhiệm vụ: gặp Giáo sư Vũ Khiêu, đề nghị Giáo sư giúp nội dung hoành phi, câu đối tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, để kịp khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang và Đền thờ Bác Hồ vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác.

Nhận nhiệm vụ, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì tôi cũng như anh em trong Ban Tuyên giáo có cơ hội được gặp Giáo sư Vũ Khiêu - một học giả nổi tiếng với nhiều công trình bề thế về các lĩnh vực khoa học xã hội, văn học nghệ thuật; đặc biệt là những nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lo vì thời gian gấp gáp, Giáo sư bận “trăm công nghìn việc” liệu chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ?

Hiểu được những băn khoăn, lo lắng của tôi, anh Sơn nói thêm:

- Anh yên tâm! Giáo sư có tình cảm sâu sắc với Tuyên Quang, tôi đã trực tiếp gặp, đề nghị và Giáo sư đồng ý giúp đỡ rồi. Năm 2012, Giáo sư cũng đã tặng tỉnh đôi câu đối đề lên bức tranh đá mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 100 tuổi. Nói xong, anh cho tôi số điện thoại của Giáo sư và Thư ký riêng của Giáo sư.

Thu xếp xong công việc, mấy hôm sau tôi quyết định gọi điện cho Giáo sư, chuông điện thoại đổ một hồi, đầu dây bên kia một giọng nói cất lên:

- Alô, ai gọi mình đấy - giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp và trẻ trung. Tôi giới thiệu: Em là Thông ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang, xin phép anh cho em gặp Giáo sư Vũ Khiêu.

- Tôi Vũ Khiêu đây.

Tôi sững người trong giây lát, vội nói: Cháu xin lỗi Giáo sư, gọi cho Giáo sư lần đầu nên chưa biết, mong Giáo sư thứ lỗi...

Giáo sư cười trong điện thoại: Không có gì đâu em, nhiều người cũng nhầm như em mà. Tôi nhẹ cả người. Sau khi báo cáo cụ thể với Giáo sư về nội dung công việc được giao, tôi xin phép được gặp trực tiếp Giáo sư. Giáo sư nói luôn:

- Thời gian này mình rất bận nhưng sáng mai mình rảnh, em qua mình cùng trao đổi.

Thú thật, tôi không ngờ bước đầu lại thuận lợi đến thế. Sau này, khi tiếp xúc với Giáo sư thường xuyên, tôi được biết Giáo sư luôn xưng hô “mình - em” thân tình vậy. Điều này làm cho tôi có cảm giác gần gũi và những băn khoăn, lo lắng khi được giao nhiệm vụ như tan biến.

vu0-1633182780.jpg

Giáo sư Vũ Khiêu trò chuyện với tác giả.

Ngày hôm sau, tôi cùng với mấy anh em Phòng Tuyên truyền - Văn hóa, văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có mặt tại nhà Giáo sư. Đón chúng tôi ở cổng, đồng chí Thư ký của Giáo sư nói:

- Cụ đang đợi các anh ở trên phòng rồi.

Bước từng bậc cầu thang, tôi vô cùng hồi hộp; không thể hình dung được hình ảnh một Giáo sư danh tiếng sắp bước sang tuổi 100 sẽ như thế nào... Cánh cửa phòng mở ra, tôi vô cùng bất ngờ khi thấy Giáo sư đang đứng ở cửa chờ chúng tôi. Khác hẳn tưởng tượng của chúng tôi về một cụ già gần trăm tuổi, Giáo sư đứng đó, vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, vầng trán cao; đặc biệt là đôi mắt sáng tinh anh; trong bộ quần áo trắng, thanh lịch và tao nhã. Nở nụ cười hồn hậu, Giáo sư nói: Tuyên Quang à, vào đi. Giáo sư tự tay rót nước chè cho từng người, ân cần hỏi thăm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch tỉnh, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Rồi Giáo sư say sưa kể về những ngày làm Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc, kỷ niệm trong những ngày kháng chiến chống Pháp, những lần được gặp và làm việc với Bác Hồ tại Tuyên Quang. Theo lời kể của Giáo sư, kỷ niệm về đất và người khu 10; kỷ niệm về đất và người Tuyên Quang hiện lên sống động, rõ nét như vừa mới hôm qua. Anh em chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện tưởng chừng không dứt ra được. Bất ngờ, Giáo sư hỏi:

- Các em có biết địa danh Cây đa Nước chảy ở gần thị xã Tuyên Quang không?

Tôi trả lời:

- Có ạ, địa danh đó giờ thuộc Thành phố rồi ạ. 

Vậy à, mình nhớ chỗ này là trên đường đi Yên Bái. Ngày kháng chiến, ở đây có một quán nước nhỏ, cô bán hàng đẹp lắm. Cán bộ, bộ đội đi công tác qua đường này ai cũng ghé vào, tiếng là nghỉ ngơi uống nước nhưng thật ra là để ngắm cô hàng duyên dáng...

Rồi Giáo sư cười, tiếng cười trẻ trung như một thuở thanh niên sôi nổi, đầy nhiệt huyết cách mạng mà dấu chân đã in khắp nẻo đường chiến khu Việt Bắc. Buổi gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi với Giáo sư diễn ra như vậy. Thật ấm áp, thân tình! Giáo sư coi chúng tôi như người ở quê cũ về thăm. Chia tay, Giáo sư dặn:

- Các em về báo cáo với lãnh đạo tỉnh là cứ yên tâm, mình sẽ hoàn thành đúng hẹn.

Thời gian sau, mỗi lần đi công tác Hà Nội, chúng tôi lại ghé thăm Giáo sư. Lần nào cũng vậy, dù rất bận nhưng Giáo sư vẫn luôn dành thời gian cho chúng tôi những câu chuyện ấm áp tình cảm với quê hương cách mạng. Khi đó, tôi rất vui vì được gặp, được nói chuyện cùng Giáo sư nhưng nỗi lo canh cánh về nội dung của hoành phi và câu đối làm tôi thấp thỏm không yên. Tôi không dám hỏi Giáo sư, chỉ biết nói nhỏ với bạn Thư ký: - Có gì, thông tin cho anh luôn nhé.

Cho đến một sáng tháng 4; đang công tác ở Hà Nội, tôi nhận được điện thoại của bạn Thư ký: Anh ở Hà Nội không? Tý qua gặp Cụ nhé. Một giờ sau, tôi đã có mặt tại nhà Giáo sư. Vừa đưa tôi lên phòng, bạn Thư ký vừa nói: Chắc là Cụ đã xong hoành phi và câu đối cho Tuyên Quang rồi đấy anh ạ. Tôi khấp khởi bước vội. Cánh cửa phòng mở ra, vẫn hình ảnh nhỏ nhắn, phong thái nhanh nhẹn trong bộ đồ trắng nho nhã, Giáo sư đón chúng tôi. Sau khi rót nước cho chúng tôi, Giáo sư đi đến bàn làm việc và quay lại cầm theo mấy tờ giấy khổ A4; giọng vui vẻ: Đây, mình đã hoàn thành nhiệm vụ với Tuyên Quang rồi nhé. Rồi Giáo sư đưa cho tôi một tờ. Tôi mừng rỡ đón lấy và trước mắt tôi là đôi câu đối được in trang trọng, đậm nét, nổi bật trên nền giấy trắng tinh. Cảm giác tự hào, xúc động dâng lên trong tôi theo từng con chữ:

“Ánh sáng rực Tuyên Quang, Hồng nhật soi dài muôn dặm đất

Khí thiêng trùm Việt Bắc, Đẩu tinh định hướng triệu con người”.

Như cảm nhận được sự xúc động trong tôi, Giáo sư nói: Mình phải suy nghĩ rất nhiều để có được đôi câu đối này, trước đây mình đã tặng Tuyên Quang đôi câu đối thể hiện tình cảm sâu sắc của Tuyên Quang với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tình cảm của Đại tướng với Tuyên Quang. Mình rất tâm đắc với đôi câu đối đó. Thế nên giờ làm đôi câu đối, nội dung phải thể hiện sâu sắc hình ảnh của Bác Hồ gắn với những sự kiện lịch sử trên mảnh đất Tuyên Quang thật khó vô cùng, không thể trong ngày một, ngày hai mà có được.

Lặng đi một lúc, giọng Giáo sư bỗng trở nên hào sảng hơn:

- Đôi câu đối này đã khẳng định rất rõ hai giai đoạn Bác Hồ ở Tuyên Quang lãnh đạo Cách mạng. Vế thứ nhất, “Ánh sáng rực Tuyên Quang” là giai đoạn Tiền khởi nghĩa, khi Người từ Cao Bằng trở về Tân Trào. Tại đây, Người đã có những quyết định lịch sử, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; giành chính quyền trong cả nước để “Hồng nhật soi dài muôn dặm đất”. Ở vế thứ 2, khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác và Trung ương một lần nữa trở lại căn cứ địa Việt Bắc, trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lúc này, Tuyên Quang trở thành trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, nơi Trung ương Đảng và Bác Hồ với “khí thiêng trùm Việt Bắc”, đã lãnh đạo dân tộc ta trường kỳ kháng chiến, vượt qua muôn ngàn gian khó, trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc để đi đến thắng lợi cuối cùng. Việt Bắc đã trở thành biểu tượng, niềm tin của dân tộc trong những ngày tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với hình ảnh Bác Hồ như “Đẩu tinh định hướng triệu con người”.

Giọng Giáo sư trầm xuống:

- Vế đối thứ 2 này mình lấy từ tứ thơ của nhà thơ Tố Hữu “Ở đâu đau đớn giống nòi, trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Giáo sư nói tiếp:

- Còn nội dung hoành phi thì chỉ cần 4 chữ “Chính - Đại - Quang - Minh” là đủ nói lên chí khí, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ rồi.

Nghe Giáo sư phân tích, tôi càng thêm tự hào về Tuyên Quang - quê hương  cách mạng đã chở che, đùm bọc Bác Hồ và các cơ quan của Trung ương trong hai thời kỳ lịch sử: Tiền khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Tôi cũng thầm cảm phục sự thông tuệ, minh triết và thâm thúy của Giáo sư. Đôi câu đối cân chỉnh, hàm súc đã gói gọn những năm tháng hào hùng của cả dân tộc. Hình tượng Bác Hồ hiện lên kỳ vĩ, sáng ngời như “Hồng nhật”, như “Đẩu tinh” tỏa sinh khí, dẫn lối soi đường cho dân tộc ta bước từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui. Đồng thời, Giáo sư cũng gửi gắm những tình cảm kính yêu, ngưỡng mộ; ngợi ca công đức Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng câu chữ nghiêm ngặt mà tài hoa.

Rời nhà Giáo sư, tôi điện ngay cho anh Nguyễn Văn Sơn. Anh nói: Thế thì tốt rồi, để mình báo cáo với Bí thư. Ít ngày sau, chúng tôi được anh Sơn thông báo: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý với nội dung hoành phi, câu đối tại Đền thờ Bác Hồ do Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng.

Ngày 19/5 năm nay, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) cũng tròn 5 năm khánh thành Cụm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Thành phố Tuyên Quang. Nơi đây đã trở thành 1 địa danh mang ý nghĩa lịch sử, niềm tự hào của nhân dân Tuyên Quang và cũng là địa điểm sinh hoạt văn hóa thu hút đông đảo du khách. Hàng ngày, Đền thờ Bác Hồ vẫn luôn rộng mở đón khách thập phương dâng hương tưởng niệm Bác và chiêm bái đôi câu đối thể hiện ân đức ngời sáng, sự nghiệp vĩ đại và sự gắn bó sâu nặng của Bác Hồ với Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.

Trước khi viết bài này, tôi có gọi điện cho Thư ký của Giáo sư Vũ Khiêu ngày ấy và được biết: sau lần bạo bệnh năm 2017, sức khỏe giảm sút, Giáo sư rất yếu; giờ chỉ nằm một chỗ và phải có người phục vụ. Vẫn biết quy luật đời người là vậy, Giáo sư đã sắp sang tuổi 105 rồi nhưng tôi vẫn mong trí tuệ mẫn tiệp kia tiếp tục những tâm huyết, cống hiến; vẫn mong được nghe lại giọng nói ấm áp, truyền cảm: “Tuyên Quang à, vào đi...” của Giáo sư, mỗi lần về thăm...

Mai Đức Thông

Link nội dung: https://vukhieu.vn/giao-su-vu-khieu-va-doi-cau-doi-tai-den-tho-chu-tich-ho-chi-minh-a5840.html