Giáo sư Vũ Khiêu - tấm gương sáng, chỗ dựa tinh thần lớn cho đời

Với sức sáng tạo, trí tuệ, tâm huyết và lao động không ngừng nghỉ, Giáo sư Vũ Khiêu để lại cho đời tấm gương sáng và chỗ dựa lớn về tinh thần cho đời sau, cho các thế hệ trí thức Việt Nam kính trọng và noi theo.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ GS Vũ Khiêu là một người gần gũi, cởi mở, là tấm gương lao động không ngừng nghỉ lúc sinh thời.

Ông Dương Trung Quốc đánh giá cao năng lực tổ chức của GS Vũ Khiêu. Do hiểu biết và nhờ việc tham gia nhiều lĩnh vực nên GS Vũ Khiêu có đội ngũ đông đảo người trẻ là trợ lý, giúp đỡ ông một số lĩnh vực mà giới trẻ có thể phát huy được như lấy tư liệu, chạy việt dã...

"Ông cũng là người khai thác những điều đó để tạo thành sản phẩm xã hội, sản phẩm khoa học. Nhiều bạn trẻ đã trưởng thành từ các hoạt động nghề nghiệp như vậy. Tôi cho đó là nét đặc trưng của GS Vũ Khiêu.

ttx1-1633475765.jpg

Ông vẫn mãi được xã hội trọng vọng, nhiều người tôn trọng. Nghe tin ông qua đời, chúng tôi xem ông như một tấm gương của người lao động thời kỳ đổi mới như danh hiệu đã được Nhà nước đánh giá, trao tặng", ông Dương Trung Quốc chia sẻ thêm.

Nhắc đến ông, Giáo sư Hoàng Chương, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam nhận định: nếu dùng chữ “hiện tượng” để nói về ông thì ông đúng là một hiện tượng hiếm có trong đời sống xã hội hôm nay.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cũng đã xúc động kể về kỉ niệm của ông với Giáo sư Vũ Khiêu: “Chất nghệ sĩ trong tâm hồn ông là một sức hút mạnh cho nhiều nghệ sĩ bậc thầy, danh tiếng trong nước và quốc tế muốn làm bạn và đã là bạn của ông. Bạn không nệ tuổi. Những ai được gần gũi, là bạn của ông, là con cháu ông, là hậu bối của ông đều tự hào và tin tưởng, coi ông như một chỗ dựa lớn về tinh thần. Những nhà lãnh đạo, những người làm công tác văn hóa luôn coi ông là cố vấn đặc biệt, kiến giải nhiều vấn đề trong đời sống văn hóa, tinh thần của đất nước và Thủ đô đương đại.

Với sức lao động phi thường, không quản ngày đêm trong những năm tháng cuối đời của Giáo sư Vũ Khiêu, mùa hè 2018, bộ sách 3 tập “Văn hiến Thăng Long”, dày tới 2.400 trang mà ông lặng lẽ chấp bút trong suốt 15 năm, đã được xuất bản trong sự vui mừng và cảm phục của các nhà lãnh đạo, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ học và đông đảo bạn đọc. Đây là món quà tinh thần đặc biệt quý giá mà Giáo sư Vũ Khiêu dâng tặng Thăng Long - Hà Nội ngàn đời yêu quý của chúng ta.

Từ 4 năm nay, sức khỏe của giáo sư yếu dần. Sau nhiều đợt nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị, Giáo sư đã được đưa về điều trị và chăm sóc tại gia đình. Các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ đô Hà Nội, những người thân quý từ mọi miền đất nước vẫn thường xuyên đến thăm. Không nói được thành tiếng, Giáo sư giao tiếp với mọi người bằng bút. Sức yếu, nét chữ run rẩy và nhòe dần, nhưng ý muốn được tiếp tục giao tiếp với mọi người không bao giờ vơi cạn.

Sau khi bộ sách 3 tập “Văn hiến Thăng Long” được xuất bản, tôi mang sách đến tận giường, đặt vào tay nhà đại trí thức. Mắt nhắm nghiền, bàn tay Giáo sư run run vuốt nhẹ cuốn sách. Và thật bất ngờ, ông tự nâng bàn tay lên, lấy hai ngón tay, vạch hai mí như đã đóng kín lại để chống mắt lên nhìn từng bìa sách của cả ba tập "Văn hiến Thăng Long". Dường như đã nhìn được gương mặt đứa con tinh thần yêu quý nhất của đời cầm bút gần suốt thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI, Giáo sư như mỉm cười mãn nguyện. Nhìn thấy cánh tay ấy, lòng tôi trào dâng xúc động và không cầm được nước mắt”.

Chính vì thế, nhà báo Hồ Quang Lợi dành những lời vô cùng trân trọng với công sức của Giáo sư Vũ Khiêu: “Lịch sử đất nước như dòng chảy lớn mà mỗi thế kỷ đều được tiếp truyền phù sa bởi những sự kiện - nhân vật tiêu biểu. Là một đại trí thức Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Vũ Khiêu là một hiền tài sống động, tỏa sáng uyên bác, tâm hồn giàu đẹp, cốt cách cao quý và trái tim nhân ái. Cuộc đời cống hiến đầy sáng tạo và sự nghiệp vinh quang của Giáo sư Vũ Khiêu toát ra sức hút của một trí tuệ và tài hoa hiếm biệt”.

“Cuộc đời chiến đấu, lao động sáng tạo và cống hiến xuất sắc của Giáo sư Vũ Khiêu là tấm gương truyền cảm hứng về lòng yêu nước, yêu văn hóa dân tộc về tinh thần trách nhiệm, năng lượng sống và niềm tin hướng tới tương lai.

Vũ Khiêu và những hiền tài của đất nước qua nhiều thế hệ đã và đang tiếp nối, nuôi dưỡng dòng tinh hoa bất tận của dân tộc”, nhà báo Hồ Quang Lợi tổng kết.

Giáo sư - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu đã qua đời vào lúc 12h37 phút, ngày 30/9, tại Bệnh viện Hữu Nghị.

Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916, tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 2017, Giáo sư được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia tộc, ông đã bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông-Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn. Cuộc đời cách mạng và công tác của Giáo sư Vũ Khiêu phần lớn gắn bó với Hà Nội.

Giáo sư Vũ Khiêu là trí thức tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và đã từng hoạt động trên các lĩnh vực: Công tác Đảng, dân vận, chính quyền, Quân đội và đối ngoại…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Trong quá trình hoạt động, ông đã cùng làm việc với các văn sỹ, trí thức nổi tiếng của Việt Minh như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Bùi Công Kỳ, Vũ Hoàng Địch...

Sau năm 1954, ông chuyển từ công tác tuyên huấn sang làm công tác nghiên cứu. Ông cũng tham gia giảng dạy triết học và lý luận khoa học xã hội cho các Trường Đảng và các trường đại học. Năm 1959, ông làm Thư ký khoa học xã hội của Ủy ban Khoa học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Xã hội học và ngành Mỹ học ở Việt Nam.

Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, sáng lập viên tham gia thành lập Hội Xã hội học các nước xã hội chủ nghĩa; giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên điều hành nhiều hội thảo quốc tế của UNESCO tại Việt Nam; cùng Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp chủ trì nhiều cuộc hội thảo về Nho giáo tại Việt Nam và Paris; được nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch Hội Khổng học thế giới mời làm cố vấn của Hội…

Ông để lại cho đời một kho tàng các tác phẩm, nghiên cứu đồ sộ: “Đẹp” (1963), “Cao Bá Quát” (1970), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Anh hùng và nghệ sỹ” (1972), “Cách mạng và nghệ thuật” (1979), “Nguyễn Trãi” (1980), “Bàn về văn hiến Việt Nam,” Tổng tập “Ngàn năm văn hiến Thăng Long” (4 tập, nặng gần 27kg), “Bách khoa thư Hà Nội,” “Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội.” Ông là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử “Ngàn năm Thăng Long” gồm hơn 100 cuốn, gần đây nhất là bộ “Văn hiến Thăng Long” gồm 3 tập dày 2.400 trang (2017).

Giáo sư Vũ Khiêu còn nổi tiếng với những bài phú như “Văn tế lương dân chết đói” (1945), “Phù Đổng Thiên Vương phú,” “Văn tế giỗ tổ Hùng Vương,” bài phú kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều câu đối, văn bia trên nhiều di tích lịch sử cả nước như cố đô Hoa Lư, Văn Miếu Đồng Nai, Ngã ba Đồng Lộc...

Giáo sư được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất, công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hương Thu

Link nội dung: https://vukhieu.vn/giao-su-vu-khieu-tam-guong-sang-cho-dua-tinh-than-lon-cho-doi-a5871.html