Sau gần 15 năm, Giáo sư được phong tặng danh hiệu Anh hùng, vào dịp đầu Xuân Giáp Ngọ - 2014, chúng tôi được phục vụ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh tới thăm chúc sức khỏe Giáo sư và đón nhận đôi câu đối mà Giáo sư vừa viết tặng cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trước ngày khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội).
Gặp lại Giáo sư, vẫn nét tinh anh của một nhà "Triết gia trong cách mạng. Nghệ sĩ giữa anh hùng":
- Chào các đồng chí ở Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương - Tư lệnh. Còn Thiếu tướng này tôi mới gặp lần đầu- Giáo sư chào rồi vui vẻ bắt tay từng người.
Thưa Giáo sư: Đây là Thiếu tướng Phạm Văn Lập, Chính ủy Bộ Tư lệnh, lần đầu tiên được gặp Giáo sư - Tư lệnh Nguyễn Văn Cương giới thiệu.
Giáo sư thân thuộc như vậy, bởi sau khi Giáo sư viết tặng đôi câu đối “Trước án trông lên còn vọng bên tai lời dạy dỗ/ Bên Lăng nhìn lại vẫn như trước mắt bóng đi về” tại Phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng năm 2008, đơn vị tiếp tục đề nghị Giáo sư viết câu đối và văn bia Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9.
Với gần một năm chuẩn bị và lên tham quan trực tiếp tại Khu Di tích K9 (ngày 02 tháng 6 năm 2013), Giáo sư đã viết xong đôi câu đối trong dịp đầu Xuân Giáp Ngọ và trân trọng mời đơn vị đến nhận.
Trong khi đồng chí Tư lệnh và Chính ủy còn đang ngắm nghía đôi câu đối: “HỒN VIỆT TỤ NƠI ĐÂY, LINH KHÍ TRẢI DÀI MUÔN DẶM ĐẤT – BÁC HỒ VỀ THUỞ ẤY, TINH ANH RỰC SÁNG MỘT BẦU TRỜI”, thì Giáo sư đã ôn tồn giải nghĩa:
- Hồn thiêng của Tổ quốc Việt Nam đã hội tụ tại mảnh đất này, và khí thiêng từ nơi đây sẽ tỏa ra tới muôn dặm của đất nước Việt Nam- Đó là vế thứ nhất.
- Còn vế thứ hai: Khi Bác Hồ đến đây, Người đã chọn mảnh đất linh thiêng này làm căn cứ, thì tinh anh của mảnh đất linh thiêng đã tỏa sáng, rực sáng lên cả bầu trời Việt Nam- Giáo sư giải thích tiếp.
Được nghe trực tiếp Giáo sư giảng giải, chúng tôi thấy tâm đắc: Xứng câu đối câu, ý đối ý, từ đối từ thật chỉnh. “Hồn Việt tụ nơi đây” với “Bác Hồ về thuở ấy”; “Linh khí trải dài” với “Tinh anh rực sáng” và “Muôn dặm đất” với “Một bầu trời”.
Từ ngữ của đôi câu đối chữ Quốc ngữ mà Giáo sư viết đã kết tinh sự tinh túy, trong sáng của ngôn ngữ tiếng Việt. Vừa khái quát được “nơi linh thiêng” của cả khu vực Đá Chông, nơi có núi tổ Ba Vì, gắn với truyền thuyết về Sơn Tinh - Thủy tinh, trong đó thần “Sơn tinh” đứng đầu trong “tứ bất tử” của truyền thuyết Việt Nam. Đồng thời thể hiện được tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chọn Đá Chông làm căn cứ của Trung ương trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt.
Thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư trao đổi sẽ tiếp tục viết 2 văn bia ở Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9. Một văn bia ghi nhớ việc Bác Hồ chọn Đá Chông làm căn cứ của Trung ương; Bác cũng nhiều lần lên làm việc và tiếp khách tại nơi này và sau đó Trung ương chọn làm nơi giữ gìn thi hài của Người trong những năm chiến tranh ác liệt.
Văn bia còn lại ghi nhận những tình cảm đặc biệt của đồng bào, chiến sỹ đối với Khu Di tích K9.
Niềm vui của chúng tôi còn được nhân lên khi Giáo sư vui vẻ nhận lời mời sẽ tới nói chuyện cho cán bộ chủ trì thuộc Ban Quản lý Lăng về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp 19/5/2014, kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Người.
Đón nhận những cuốn sách “Hồ Chí Minh, ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”, do Giáo sư biên soạn năm 2012, kèm theo lời đề tặng trước khi chia tay, chúng tôi cảm phục đức độ, tài năng, sức khỏe, sự tinh anh của Giáo sư và thầm nghĩ: “Dẫu gần tròn trăm tuổi, nhưng Giáo sư Vũ Khiêu vẫn miệt mài lao động để cống hiến những áng thơ văn lay động lòng người. GS Vũ Khiêu mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần lao động và nhân cách sống để cho mọi người học tập noi theo”./.