Vĩnh biệt Giáo sư Vũ Khiêu: 'Hương trầm' cháy mãi

06/10/2021 05:59

Là học giả lớn, một trí thức tiêu biểu của đất nước, ông bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông - Tây từ cổ đại đến hiện đại với tư duy minh triết, sáng tạo.

Ông am tường văn học cổ Việt Nam, Trung Quốc và các nước trên thế giới. Vốn tri thức đó được ông vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn trongnghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và đặc biệt phát huy trong văn chương biền ngẫu (phú, văn tế, văn bia, câu đối…).

1. Đây là thể cổ văn độc đáo, súc tích, nhưng đòi hỏi rất cao, khắt khe với người sáng tác ngoài vốn Hán ngữ tốt phải am hiểu thể văn chương, thể văn cổ (niêm luật, thanh điệu, vần điệu, nhạc điệu…); hiểu điển tích, điển cố; có phông kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa…Được đánh giá là chuyên gia số 1, GS Vũ Khiêu là tác giả của hàng trăm bài văn tế, chúc văn, văn bia, bài minh, câu đối… về đề tài về lịch sử, văn hóa dân tộc…

vukhieu-fotor-1633474469.jpg
Ngày 2/1/2001, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão gắn huy hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Giáo sư Vũ Khiêu. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN

Hãy cùng đọc lại những áng văn biền ngẫu bất hủ của ông.

Cuốn Hương trầm tập hợp những bài phú đặc sắc của ông xuất bản năm 1946, trong đó có 2 bài phú nổi tiếng được truyền tụng: Truy điệu những lương dân chết đói (3/1945) và Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng Tháng Tám (8/1946). Phát huy sở trường này, ông tiếp tục sáng tác nhiều bài phú, như: Phù Đổng Thiên Vương phú, Văn tế danh nhân văn hóa Nguyễn Quý Tân, Văn tế cụ Hoàng Trung Đặng Huy Trứ, Văn bia Lý Thái Tổ ở Hoa Lư…

Bài Văn tế Truy điệu những lương dân chết đói là bài phú mẫu mực nổi tiếng của ông tế hương hồn những người đã chết vì nạn đói năm 1945. Ở tuổi 29, ông động lòng trắc ẩn viết văn tế trong một đêm mưa gió lạnh: “Tôi đã đốt hương ngồi khấn những vong hồn của nạn đói và thức đến sáng để viết bài này trong nước mắt. Nghĩ đến những xác người chết đói còn phơi dưới gió mưa, dưới một bầu trời đen tối, nửa như trần gian nửa như âm phủ mà đau xót cho nhân dân ta. Nạn nhân là những người nông dân khi sống đã dành bao nhiêu nước mắt và mồ hôi trong lao động, để kiếm được hạt gạo nuôi gia đình mình và góp phần nuôi cả đồng bào”:

Hỡi những bóng điêu linh

Hỡi những hồn oan uất

Mà đường khuya quãng vắng lang thang

Trên ngọn cỏ đầu cây lẩn khuất!

Ta đã trông những hình rã rượi,
mẹ khóc con trong sương lạnh trăng mờ.

Ta đã nghe những tiếng thảm thê,
già bảo trẻ dưới mưa lay gió lắt.

Nghĩ thương kẻ còn đau khổ mãi,
nỗi oan buồn máu biếc không tan…

tong-bi-thu-2-wimb-1424086664400-crop-1424086674647-1633474528.jpg
Giáo sư Vũ Khiêu tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng câu đối. Ảnh : Trí Dũng - TTXVN

Bài Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng Tháng Tám được ông viết tháng 8/1946 đầy xúc động về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ:

Đến ngày tháng Tám

Giời như xám lại, bớt đau thương

Đất bỗng vùng lên, vì phẫn nộ

Bóng anh hùng rợp cả non sông

Sóng cách mạng, ào như bão vũ

Súng dân quân, muôn dặm chuyển rung

Cờ đế quốc, trăm thành sụp đổ

Nghìn thu phá nếp quân quyền

Một buổi dựng nên dân chủ…

vukhieu200-1633474618.jpg
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội phát biểu tại một hội thảo. Ảnh: An Đăng - TTXVN

2. GS Vũ Khiêu còn nổi tiếng viết chúc văn, đặc biệt là Chúc văn Giỗ tổ Hùng Vương.

Chúc văn Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng 2010 là một trong những áng văn kinh điển mẫu mực của lời khấn, lời đọc khi tế lễ hoặc lời đọc chúc tụngdùng trong tế lễ - hoạt động tín ngưỡng thể hiện một sự tôn thờ và sự kính trọng, biết ơn đến 18 chi đời các Vua Hùng đã có công dựng nước Văn Lang- Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam và các đấng thần linh, thành hoàng, thổ địa. Chúc văn đọc trong tế lễ thiêng liêng thể hiện sự uyên bác, tâm tuệ của một nhà văn hóa lớn, một nhà văn tài năng:

Sáu mươi ba tỉnh thành: Nhớ lại tổ tông

Năm mươi tư dân tộc: Tìm về cội rễ!

Công ơn Quốc tổ, vẻ vang Hồng Lạc bốn ngàn năm

Hùng khí Thủ đô, rực rỡ Thăng Long mười thế kỷ.

Một vùng rộn rã trống chiêng

Muôn dặm tưng bừng cờ xí!

Trống đồng dội tới, núi sông dậy sấm anh hùng

Trống đồng vang lên, Trời đất ngút ngàn linh khí…

Nổi tiếng viết thư pháp đẹp và có biệt tài viết câu đối, nên GS Vũ Khiêu được tin cậy mời soạn văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối tại rất nhiều đền thờ danh nhân, đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước.Có thể kể đến những câu đối chính ở các đền thờ: Đền thờ Phù Đổng Thiên Vương, bia đá trước đền Vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình), chuông đồng ở Côn Đảo…

truongsonmaulua-1633474683.jpg
Cuốn sách của GS Vũ Khiêu nêu lên lẽ sống cao cả của dân tộc, ý chí không bao giờ khuất phục của các thế hệ Việt Nam, đặc biệt là khí thế bừng bừng của tuổi trẻ trước trách nhiệm lịch sử

Năm 2008, ở khu tưởng niệm Côn Đảo đã tổ chức lễ khánh thành Đại hồng chung có bài minh của GS Vũ Khiêu khắc trên chuông: "Ngày hôm nay: Chuông vang xa từ hòn đảo anh linh/ Chuông vang vọng giữa bầu trời đại nghĩa/ Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân/ Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế".

Lễ khánh thành Tháp chuông Đồng Lộc (cao 7 tầng, 36,6m, quả chuông nặng 5,7 tấn) tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) được tổ chức vào tối ngày 2/1/2011. Trên bề mặt chuông khắc bài Minh chuông viết theo thể phú đầy hào khí của GS Vũ Khiêu:

Một tượng đài cao vút hướng thanh thiên

Mười ngôi mộ sáng trưng như bạch ngọc

Tiếng chuông rung khí phách Trường Sơn

Tiếng chuông dội tinh thần Đồng Lộc

Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người

Muôn dặm bừng soi gương vị nước

Kính trọng, tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Vũ Khiêu nhiều lần tặng câu đối cho vị Tướng của lòng dân. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh Đại tướng (25/8/1911 - 25/8/1996), GS Vũ Khiêu đã tặng câu đối: “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm”.

Viếng người bạn tri kỷ GS Phạm Huy Thông - tác giả bài thơ Tiếng địch sông Ô nổi tiếng, ông viết:

Tưởng cầm kỳ thi họa thong dong bỗng bát ngát Ô giang hồn Hạng Tịch

Đang Nam Bắc Đông Tây hò hẹn sao vội vàng tiên cảnh gót Lưu Lang

Viếng phu nhân GS Trần Quốc Vượng, ông đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau của người bạn bằng câu đối:

Chị ra đi bát ngát Đông Tây, một cánh buồm son làn gió cuốn

Anh ở lại ngậm ngùi kim cổ, nửa bình rượu trắng ánh trăng soi

Ông viết tặng câu đối ngày Xuân tặng người bạn tuổi 70 bằng sự đồng cảm sâu sắc:

Bảy mươi Xuân, quay ngược thời gian, từng giờ, từng phút, từng khắc, từng giây, nghĩ mình chẳng thẹn

Mồng một Tết, nhìn ngang thế lộ, ai chậm, ai nhanh, ai sai, ai đúng, rót rượu cùng say.

Nhân Tết đến Xuân về, GS Vũ Khiêu có cảm xúc viết câu đối Tết. Thường thì câu đối Tết viết cho từng năm, nhưng Xuân 2008, GS viết câu đối cho 4 năm liền:

Năm Đinh Hợi (2007) - Mậu Tý (2008):“Lợn chứa đầy tiền xem đủ chửa/ Chuột sa chĩnh gạo gặm vừa thôi”!Năm Kỷ Sửu (2009) - Canh Dần (2010):“Trâu còn tận lực xua nghèo đói/ Hổ sẽ thành công diệt ác gian”.

Năm 2014, Anh hùng lao động, GS Vũ Khiêu đã đoạt giải cao nhất tại Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định” với tác phẩm: Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định - Đất linh thiêng rợp bóng anh hùng:

Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn: Bừng bừng khí thế đấu tranh

Vườn Trầu - Bà Điểm - Hóc Môn: Lớp lớp anh hùng hội tụ

***

Tôi ấn tượng với những cuốn sách ông viết về văn học nghệ thuật, danh nhân văn hóa, nhà văn Việt Nam, như: Hương trầm (phú, 1946), Du nguyệt điện (kịch thơ, 1946), Đẹp (Chuyên luận nghiên cứu, 1963), Cao Bá Quát (1970), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Ngô Thì Nhậm (1976), Cách mạng và Nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam (1980), Bàn về văn hiến Việt Nam(3 tập, 2000); Hồ Chí Minh - Ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam (2004), Trường Sơn máu lửa vạn đại anh hùng (2009), Học tập đạo đức Bác Hồ (2014)…Vốn tiếng Pháp phong phú, lại là nhà văn, ông là dịch giả dịch tiểu thuyết Rừng thẳm tuyết dày (1991).

Tinh thần nhập cuộc

Giáo dục từ quê hương, gia đình cho thấy, đã là người công dân thì bất cứ lúc nào cần có tinh thần nhập cuộc “có lệnh là đi tư thế sẵn sàng”. Ông học giỏi, tốt nghiệp tú tài Trường Bonnal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Năm 1935, về Hà Nội, ông làm đủ mọi việc từ lao động phổ thông đến dạy học, viết sách… Ông hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tích cực làm bất cứ công việc khi tổ chức, đoàn thể yêu cầu, không nề hà bất cứ nhiệm vụ lớn nhỏ nào.

Trải nghiệm qua nhiều vị trí công tác tuyên huấn cùng các các văn sĩ, trí thức nổi tiếng như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Thanh Tịnh, Đoàn Phú Tứ, Trần Dần… ở Khu 10, Khu Việt Bắc, Tây Bắc, Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) đã cho ông chất liệu hiện thực quý giá.

Sau năm 1954, GS Vũ Khiêu được cử đi học ở nước ngoài: Trường Đảng cao cấp ở Bắc Kinh (1954 - 1956); sang Hungary học và mở rộng tầm mắt tiếp cận tri thức thế giới. Từ đó, ông chuyển sang công tác nghiên cứu; giảng dạy môn triết học, mỹ học, lý luận khoa học xã hội cho các trường đại học, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)…

 

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh biệt Giáo sư Vũ Khiêu: 'Hương trầm' cháy mãi" tại chuyên mục Dân tộc.