Giáo sư Vũ Khiêu: Một nhân cách lớn tỏa sáng vẻ đẹp trí tuệ Việt Nam

06/10/2021 06:20

Cây đại thụ của nền văn hóa Việt Nam, bậc đại trí thức, học giả uyên bác - Giáo sư Vũ Khiêu vừa ra đi, để lại bao tiếc thương cho người thân, nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp, các nhà khoa học và những người yêu văn hóa dân tộc.

"Triết gia trong cách mạng, nghệ sĩ giữa anh hùng" 

GS Vũ Khiêu đã đi xuyên qua thế kỷ bằng sự minh triết, giản dị, đức độ của một học giả, nhà văn hoá lớn. Một nghệ sĩ mà cái đẹp toả ra từ mỗi cử chỉ, câu chữ, con người ông luôn toát ra ánh sáng cuốn hút, thanh cao, là biểu tượng của vẻ đẹp trí tuệ của người nghệ sĩ đích thực... 

GS.Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H. Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp tú tài Trường Bonnal  Hải Phòng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Điện Biên Phủ.

30-10-06-8114-1633475937.jpg
Giáo sư Vũ Khiêu

Ðiểm nổi bật nhất ở GS Vũ Khiêu là tinh thần tự học, ý chí vươn lên. Thời trẻ, Giáo sư không được đào tạo trong các nhà trường. Với vốn tiếng Hán từ nhỏ học ở nhà do cha dạy, trong quá trình làm việc và công tác tự học hỏi, mở rộng và tôi luyện thêm cộng với hai năm được học tập ở Trung Quốc nên Giáo sư rất giỏi về chữ Hán.

Trong 72 đầu sách và 10 văn bia của Giáo sư chỉ có 12 cuốn là biên soạn, còn phần lớn đều là sáng tác, nghiên cứu, trong đó có những cuốn rất quý như: "Văn hóa học đại cương và chính sách văn hóa Việt Nam", "Văn hóa phát triển và bản sắc", "Ðức trị và pháp trị", "Nho giáo và con người", "Tìm hiểu ngàn năm văn hóa Thăng Long", "Ðạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam"...

Không chỉ là sự kỳ diệu của một trí tuệ hiếm biệt, Giáo sư Vũ Khiêu còn là hiện thân, biểu tượng của tài năng sáng tạo và sức lực cống hiến. Ông đã viết gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn với tập thể chừng 30 cuốn sách ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào... Trong đó, các tác phẩm nổi bật: Đẹp, Anh hùng và nghệ sĩ, Cách mạng và nghệ thuật,  "Cao Bá Quát", "Ngô Thì Nhậm", "Nguyễn Trãi", "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam", "Bàn về văn hiến Việt Nam"...

Là một  học giả lớn, một trí thức tiêu biểu của đất nước, ông là người xây dựng, tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam với cương vị là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học. Đặc biệt, Giáo sư Vũ Khiêu còn là bậc thầy về tài viết phú, văn tế, văn bia. Đây là những thể cổ văn rất khó, yều cầu niên luật chặt chẽ, mang tính lịch sử, thế nhưng Giáo sư thể hiện vừa tề chỉnh mà vẫn phóng khoáng, nhịp điệu trầm hùng mà vẫn thanh tao, hào hoa, nhã tiệp.

Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ ở Hoa Lư, Phù Đổng Thiên Vương phú, Chúc văn tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn bia về Trần Đăng Ninh, Văn bia đường 20 - Quyết Thắng Quảng Bình, bài minh trên chuông xã Bát Tràng, nhất là Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương... là các áng văn quý giá của GS Vũ Khiêu được lưu khắc tại các đền thờ anh hùng, đền miếu khắp cả nước khiến chúng ta thêm yêu truyền thống, ngôn ngữ, văn hóa đất nước mình.

Hiểu biết sâu rộng cả về văn hóa phương Đông và phương Tây, Giáo sư có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam với những tác phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa mang tính thời đại, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống đạo đức và văn học nghệ thuật ở nước ta.

Tấm gương lao động sáng tạo không ngừng nghỉ

Với tài năng đức độ và sự cống hiến to lớn của ông, bạn bè, đồng nghiệp các thế hệ tôn vinh ông là "cây đại thụ về trí tuệ", là "thần bút". Ông đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng lớn, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi  mới (năm 2000), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006).

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng cảm nhận: "Lịch sử, triết học, đạo đức học, mỹ học, tư tưởng Hồ Chí Minh,... những bài nói, bài viết của Giáo sư được các tầng lớp nhân dân ta, các lứa tuổi đều rất là thích nghe, thích đọc và như thế là đi vào lòng người và nó đã tạo ra một cái ngưỡng mộ Giáo sư của dân, một Giáo sư ở trong lòng."

Nụ cười đôn hậu và nét mặt cởi mở là những gì người đối diện dễ dàng nhận thấy ở Giáo sư Vũ Khiêu, ở một nhân cách lớn. Đằng sau sự nghiệp văn hóa, ông là một con người bình dị, bình dị một cách đúng nghĩa. Cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của Giáo sư Vũ Khiêu là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các lớp học trò, con cháu, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam ngưỡng mộ và học tập.

Đi qua trọn một thế kỉ, tận mắt chứng kiến tất cả những đổi thay của đất nước, trái tim, khối óc của ông vẫn không ngơi nghỉ. Trí tuệ, bút pháp ấy vẫn tung hoành, hào sảng, phóng khoáng mang đầy trí tuệ.

Nói đến ông, nhà báo Hồ Quang Lợi từng khẳng định: “Bộ não sáng tạo uyên bác của GS Vũ Khiêu vô cùng quý giá, con người ấy là quốc bảo. Hà Nội may mắn có ông - công dân ưu tú nhất đương thời. Ông là một đại trí thức của Việt Nam, luôn đau đáu với sự nghiệp văn hoá của Thăng Long - Hà Nội. Với tôi, ông như một tượng đài. Tượng đài sống luôn khiến tôi cùng nhiều người kính phục và cảm động’’.

Thủy Tiên