Văn tế truy điệu những lương dân chết đói năm 1945 của Giáo sư Vũ Khiêu

16/10/2021 16:17

Để tưởng niệm nạn nhân của nạn đói năm 1945, tháng 3 năm 1945, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết Văn tế truy điệu những lương dân chết đói làm xúc động lòng người, khúc bi tráng trào dâng nghĩa khí thể hiện truyền thống nhân văn tự ngàn đời của dân tộc còn được lưu truyền cho hôm nay và mãi mãi mai sau.

Nói về áng văn này, Giáo sư Vũ Khiêu xúc động từng tâm sự: "Tôi viết bài văn này trong một hoàn cảnh đau thương của đất nước, những ngày diễn ra một nạn đói lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng có thể nói là lớn nhất trong thế kỷ 20... Trong một đêm mưa dầm gió lạnh, tôi đã đốt hương ngồi khấn những vong hồn của nạn đói và thức đến sáng để viết bài này trong nước mắt. Nghĩ đến những xác người chết đói còn phơi dưới gió mưa, dưới một bầu trời đen tối, nửa như trần gian nửa như âm phủ mà đau xót cho nhân dân ta. Nạn nhân là những người nông dân khi sống đã dành bao nhiêu nước mắt và mồ hôi trong lao động, để kiếm được hạt gạo nuôi gia đình mình và góp phần nuôi cả đồng bào. Thế mà ngày nay bao nhiêu công sức đã bị thực dân phát-xít cướp đi để không còn một hạt thóc sống qua ngày".

a1-1589276103-184-width600height418-1634374963.jpg Khu tưởng niệm đồng bào bị chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945 tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng

Ở tuổi 29, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết văn tế hương hồn những người đã chết vì nạn đói vào tháng 3 năm 1945 gây được tiếng vang lớn. Đây được ví như khúc bi tráng trào dâng nghĩa khí, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống nhân văn tự ngàn đời của dân tộc còn được lưu truyền cho hôm nay và mãi mãi mai sau.

Đồng chí Xuân Thủy sau khi đọc trên báo Nhân dân đã phải thốt lên: “Bó mình trong một thể văn cũ, khó khăn và cầu kỳ, tác giả vì có cảm xúc thật nên đã tạo nên những lời có thể cảm động được tới chúng ta. Cái đó chứng tỏ rằng: với bất cứ hình thức nào, người ta cũng viết nên những áng văn có giá trị, miễn là trong tâm hồn có một rung động sâu xa và thành thực”.

Dù đã trải qua độ lùi 76 năm, văn tế hương hồn lương dân chết đói năm 1945 của GS. Vũ Khiêu vẫn gieo bao niềm xúc động. Xin giới thiệu bài Văn tế truy điệu những lương dân chết đói năm 1945 của Giáo sư Vũ Khiêu:

Truy điệu những lương dân chết đói (1)

Một cơn gió bụi vừa tan(2)
Hai triệu sinh linh đã mất(3)
Khí oan tối cả mây trời
Thây lạnh phơi đầy cỏ đất
Hỡi ôi:
Chung khí non sông
Cùng mang tai mắt
Vẫn giống thông minh
Vốn dòng cường quật
Cớ sao không Nam Bắc vẫy vùng
Ðể cam chịu cơ hàn(4) bứt rứt
Ðáng lẽ nay bốn bể tranh hùng,
chí những tưởng giật cờ cứu nước,
sống xông pha nơi bão đạn rừng gươm.
Mà ngán nhẽ một thời cơ nhỡ,
lòng mải theo manh áo lưng cơm,
chết thê thảm nơi hang cùng ngõ khuất.
Thương thay:
Hồn đã rất cao
Lòng vì quá chất
Những tưởng giỏ cơm bầu nước,
đám lợi danh mây nổi bèo trôi.
Nào ngờ tháng lại ngày qua
trường tranh đấu mưa dày gió rựt.
Việc bốn mùa nào xây cống đắp đê,
nào làm đường xẻ đập,
huyết hãn kia bồi đắp lấy non sông.
Thân bảy thước khi dầm sương dãi nắng,
khi gội gió tắm mưa,
xương thịt ấy phải đâu là đá sắt.
Ðã mỏi xác cân đay nộp lạc,
thóc được ít lại liên đoàn(5) lấy hết,
ách tham tàn càng gánh càng đau.
Từng mòn chân khi chạy thuế lo sưu,
tiền đã còn hương lý xoay quanh,
dây cơ khổ mỗi ngày mỗi thắt.
Cho đến khi:
Hạt tấm không còn,
Ðồng chinh cũng mất
Những tưởng túng qua
Ngờ đâu đói thật
Trong vợ con lòng đã xót lòng
Ngoài hương xóm mặt càng rõ mặt.
Trước còn định dây khoai rễ má,
lần hồi sao bữa đến qua loa.
Sau đành đem tháo bếp dỡ nhà
xoay sở mãi ngày càng héo hắt.
Ðầu bù tóc rối,
dắt díu nhau nơi quán đổ lều nghiêng.
Áo cói quần rơm,
chua xót mấy khi mưa dầm nắng gắt.
Ngẫm thủa trước, cảnh nghèo cũng lắm,
chữ cương thường còn giữ dạ đinh ninh.
Mà ngày nay nỗi khổ không cùng,
dây thân ái cũng nghiến răng dứt đứt.
Mẫu tử tình thâm,
ôi một mái tơ xanh nào đã tội,
bỏ u ơ cuối chợ đầu đường.
Phu thê nghĩa nặng,
hẹn trăm năm đầu bạc cũng sai lời,
sớm đau đớn người còn kẻ mất.
Biết đi đâu ? Bốn phương mờ mịt,
trời lờ như điếc, đất như câm.
Hỏi cùng ai ? Những bóng bơ vơ,
ruột rát tựa bào, gan tựa cắt.
Lang thang chi phách ở hồn đi!
Thảm thiết nhẽ ngày tàn bóng tắt!
Có kẻ tìm bãi cỏ nằm xiêu
Có người đến bên cây ngã vật
Có khi ngõ vắng gieo mình
Có lúc vườn sau thở hắt
Có những quán: hàng bao xác lạnh,
bỏ ruồi bâu bọ khoét chửa ai khiêng.
Có nhiều nơi: một nắm xương khô,
từng nắng giãi mưa dầu không kẻ nhặt.
Mỗi người manh chiếu bó bó chôn chôn.
Từng đống trên xe chồng chồng, chất chất.
Ôi nói ra những toát mồ hôi
Mà nghĩ lại thêm tràn nước mắt!
***
Hỡi những bóng điêu linh
Hỡi những hồn oan uất
Mà đường khuya quãng vắng lang thang
Trên ngọn cỏ đầu cây lẩn khuất!
Ta đã trông những hình rã rượi,
mẹ khóc con trong sương lạnh trăng mờ.
Ta đã nghe những tiếng thảm thê,
già bảo trẻ dưới mưa lay gió lắt.
Nghĩ thương kẻ còn đau khổ mãi,
nỗi oan buồn máu biếc không tan,(6)
Mà biết ai chưa trả thù xong,
lửa oán giận gan vàng chẳng tắt.
Oán đã đành những kẻ xâm bang:
giết người, cướp của, thỏa dạ tham tàn
Giận biết mấy cho quân đồng loại:
tham nhũng, đầu cơ, riêng mình khoái dật.
Ngán nhẽ lầu son gác tía,
chén phong lưu những máu chan hòa.
Gớm cho mũ bạc đai vàng,
đài vinh hiển bằng xương cao ngất!
Nay gặp buổi:
Súng dân quân dậy sóng ầm ầm
Cờ khởi nghĩa ngất trời phới phất
Ðèn quang minh đương độ soi cao
Gươm chính khí đến ngày tuốt phắt.
Bao phường cướp nước không tha
Những lũ buôn nòi sẽ bắt
Hận thù kia rồi trả phân minh,
Oan thác nọ sẽ đền chu tất.
Cho ai chín suối ngậm cười.
Ðể khách năm châu tỏ mặt.
Chỉ đáng tiếc sống xưa chửa kịp đem thân nọ
đền bù đất nước,
phải ngậm hờn cùng hoa cỏ ủ ê.
Thì ngày nay chết phải làm sao để hồn kia
chói lọi trời mây,
mà bảo vệ lấy giang sơn vững chặt.
Giúp đồng bào cho trăm triệu sống an vui
Dựng độc lập để nghìn thu cờ vững ngất.

v1-1634377498.jpg
 

---

(1) Mùa xuân năm 1945, do phát-xít Nhật bắt dân ta nhổ lúa để trồng đay, sau đó chúng tổ chức thu mua cạn thóc lúa của ta nên nhân dân ta chết đói tới hơn 2 triệu người. Tác giả đã chứng kiến cảnh đau khổ vô bờ bến đó, nên xúc động viết bài văn tế trên.

(2) Gió bụi, chữ Hán là "phong trần" chỉ những biến cố lớn lao làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của con người. Ở đây, tác giả muốn chỉ cuộc đánh chiếm Ðông Dương của phát-xít Nhật và nạn đói khủng khiếp do chúng gây nên hồi giữa thập kỷ 40 của thế kỷ 20.

(3) Nạn đói do phát-xít Nhật gây ra năm 1945 đã làm cho hơn 2 triệu dân ta bị chết đói.

(4) Cơ là đói kém, hàn là lạnh buốt. Cảnh cơ hàn là cảnh đói rét. Ở đây tác giả nói tới cảnh chết đói năm 1945.

(5) Liên đoàn: Tổ chức do bọn Nhật lập ra hồi những năm 1944 - 1945 chuyên thu mua thóc của dân ta.

(6) Máu biếc (Bích huyết): Trương Hoàng đời Chu bị chết oan ở nước Thục, ba năm đào mả lên, thấy máu không tiêu mà lại hóa ra sắc biếc.

Quyết Tuấn