Câu chuyện đẹp về tình cảm của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu với lực lượng CAND

02/10/2021 15:00

Vẫn biết, Ông sẽ ra đi vào một ngày nào đó theo quy luật “sinh lão bệnh tử”, song chiều qua, chiều Thu Hà Nội, nghe tin Ông ra đi, lòng tôi bồi hồi xúc động...

Chỉ cách đây ít ngày, dịp sinh nhật lần thứ 105 của Ông, chúng tôi đã cùng ngồi hàn huyên nhắc lại những kỷ niệm, những lần gặp gỡ và xem lại những bức ảnh về Ông, mà đằng sau đó ẩn chứa những câu chuyện về nhà chính trị, nhà khoa học, nhà văn hóa, một con người giàu lòng nhân ái, nghĩa tình, có nhiều cống hiến cho đất nước, Nhân dân, trong đó có lực lượng CAND. 

Tôi nhớ năm 2015, lực lượng CAND tổ chức 70 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945 - 19/8/2015) và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), với nhiều sự kiện, hoạt động được tổ chức trọng thể, ý nghĩa trong cả nước. Trong các hoạt động đó, lực lượng CAND đã phối hợp với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), Tổng cục Chính trị CAND và Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (Bộ Công an), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Truyền hình CAND và một số Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương tổ chức chương trình cầu truyền hình đặc biệt với chủ đề “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ - Tỏa sáng giữa đời thường” vào tối 8/8/2015, tại 5 điểm cầu: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Đại Đoàn kết tỉnh Gia Lai; Khu Di tích lịch sử An ninh khu 9, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang; Cung Văn hóa tỉnh Hòa Bình và Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. Đây là chương trình rất đặc biệt được tổ chức nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân trong các tầng lớp Nhân dân và trong CAND đã có những thành tích, đóng góp tiêu biểu vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT), vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

1-giao-03-1633088351974-1633161503.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Nam trong một lần chúc mừng Giáo sư Vũ Khiêu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11( Ảnh Anh Hiếu)

Trong quá trình xây dựng chương trình, Ban Tổ chức đã có buổi gặp gỡ và xin ý kiến tham gia của Giáo sư Vũ Khiêu. Quá trình làm việc, nghiên cứu, Giáo sư Vũ Khiêu đã dành tình cảm sâu đậm và nhiều đóng góp tâm huyết, quan trọng xây dựng lực lượng CAND. Không chỉ vậy, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ cũng thường xuyên có các buổi gặp gỡ, xin ý kiến Giáo sư Vũ Khiêu. Ông là số ít người hiện am hiểu thấu đáo về lịch sử, văn hóa của đất nước. Đối với lực lượng CAND, Ông hay trao đổi, tham gia nhiều ý kiến sâu sắc về nhiều lĩnh vực, trong đó có tôn giáo, dân tộc để giúp lực lượng Công an nhìn nhận, xử lý thấu đáo, khách quan những vấn đề an ninh của đất nước liên quan đến đến tôn giáo, dân tộc và xã hội… 

Tôi nhớ, có lần, Ông đã trao đổi khá kỹ với tôi những thông tin liên quan đến quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Phật giáo đã góp phần phát triển văn hóa và làm rõ bản sắc Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Ông say sưa kể tôi nghe chuyện những chức sắc trong tôn giáo đã góp phần vào cuộc chiến tranh chống Pháp từ buổi đầu toàn quốc kháng chiến; câu chuyện về các nhà sư chùa Cổ Lễ, Nam Định cởi bỏ áo cà sa để tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Những trao đổi, suy nghĩ của Ông đã gợi mở cho chúng tôi  cách nhìn toàn diện, sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong tất cả những lần trao đổi ấy, tôi đã thấy toát lên ở Ông điều giản dị mà Ông luôn đau đáu: Công an Việt Nam là CAND; phải hiểu dân, gần dân và luôn vì cuộc sống bình yên của Nhân dân. 

Còn nhớ, trong buổi trao đổi với Ông về những hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND và 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ, chúng tôi đã đề nghị Ông tham gia vào sự kiện Cầu truyền hình đặc biệt “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ - Tỏa sáng giữa đời thường” tại đầu cầu Hà Nội sẽ được tổ chức trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các điểm cầu vào tối ngày 8/8/2015. Ông đã vui vẻ nhận lời và nói sẽ dành cho lực lượng CAND một món quà đặc biệt.

Chương trình Cầu truyền hình đặc biệt nêu trên đã được tổ chức trọng thể, giàu cảm xúc tại 5 địa điểm trong cả nước với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; các đại biểu ưu tú trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, cùng với các thế hệ lãnh đạo, CBCS Công an và quần chúng nhân dân… Tại đầu cầu Hà Nội, một trong những hình ảnh đẹp và đáng nhớ nhất, đó là trước Quảng trường Ba Đình lịch sử và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã trân trọng trao tặng lực lượng CAND bức trướng vô cùng ý nghĩa, sâu sắc; khán giả tại cả 5 cầu truyền hình rất xúc động khi đồng chí Bộ trưởng Trần Đại Quang thay mặt lực lượng CAND đón nhận hết sức trân trọng Câu đối với nội dung:“Đánh giặc, trừ gian thành tích lẫy lừng muôn dặm đất/ An dân, giữ nước hiếu trung rực rỡ bẩy mươi xuân ”.

 Trong trời Thu tháng 8, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh đẹp vị Giáo sư gần 100 tuổi trân trọng trao lực lượng CAND bức trướng với những lời tâm huyết, sâu sắc, đầy đủ và hết sức toàn diện “Đánh giặc, trừ gian; …An dân, giữ nước” như là một sự gửi gắm, nhắc nhở lực lượng CAND hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bất kể tình huống nào. Đến nay, bức trướng vẫn luôn là một kỷ vật thiêng liêng, chứa đựng tình cảm sâu sắc của Giáo sư Vũ Khiêu với lực lượng CAND. 

Từ lâu, tôi đã kính trọng Ông là một trong những người nổi tiếng, giỏi về phú, câu đối, nhất là những đề tài về lịch sử, về văn hóa dân tộc ca ngợi khí phách anh hùng, tâm hồn cao đẹp của con người Việt Nam. Tôi rất nhớ kỷ niệm với Ông, khi tôi rời Bộ Công an nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, tôi đã qua nhà Ông tại khu đô thị Mỹ Đình, Ông đã trao đổi với tôi rất kỹ về lịch sử, văn hóa, con người Ninh Bình, vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Những lần tâm giao đó đã giúp tôi rất nhiều trong những năm tháng công tác và làm việc tại vùng đất Cố đô Hoa Lư - Ninh Bình. Khi ở Ninh Bình, tôi đã nhiều lần vào Hoa Lư, đứng chiêm ngưỡng hàng giờ trước “văn bia Lý Thái Tổ ở Hoa Lư” nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà tác giả soạn thảo Văn bia là Giáo sư Vũ Khiêu. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cho rằng đây là một áng văn toàn bích về vùng đất lịch sử, địa linh nhân kiệt Hoa Lư - Ninh Bình.

Nội dung câu đối mà Giáo sư Vũ Khiêu tặng lực lượng CAND nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống sẽ là điều chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, suy ngẫm. Điều chắc chắn đó là tình cảm sâu sắc mà Giáo sư Vũ Khiêu dã dành cho các thế hệ CBCS lực lượng CAND.

Giáo sư Vũ Khiêu đã đi xa về với các bậc hiền triết, về với lịch sử dân tộc mà ông đã biết bao năm nghiền ngẫm, đắm say. Ông đã về với thế giới  người hiền nhưng hình ảnh vị Giáo sư hơn 100 tuổi vẫn hàng ngày miệt mài bên những trang bản thảo, sẻ chia, suy nghĩ với anh em, bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học sinh tại ngôi nhà yên tĩnh trong Khu đô thị mới Mỹ Đình sẽ không thể nào quên được trong mỗi người đã từng được gặp ông.

Ông mất đi, song một “Chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương”, “Văn bia Lý Thái Tổ - Hoa Lư”…sẽ là những áng văn đẹp còn mãi với chúng ta. Với lực lượng CAND, câu đối ông tặng nhân sự kiện Cầu truyền hình đặc biệt “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ - Tỏa sáng giữa đời thường”  nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND và Kỷ niệm 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ cũng là một kỷ niệm đẹp về Giáo sư Đặng Vũ Khiêu.

Hà Nội mùa Thu, đối với Giáo sư Vũ Khiêu như là một dấu ấn với một con người. Ông sinh ra vào mùa Thu, ngày 19/9/1916 và Ông ra đi về cõi vĩnh hằng cũng vào ngày cuối cùng của Tháng 9 năm 2021; Ông cũng là Công dân Ưu tú của Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010).  Mùa Thu với Ông, Nhà văn hóa, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu thật là đặc biệt, hẳn mùa Thu Hà Nội sẽ mãi theo Ông về cõi vĩnh hằng./.

Thượng tướng Bùi Văn Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an)