Chúc mừng Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu tròn 100 tuổi

02/10/2021 16:21

Giáo sư Vũ Khiêu sinh ngày 19/9/1915, song tuổi trong hồ sơ đi theo kháng chiến là 1916. Thật khó có thể tưởng tượng nổi bậc đại thụ về triết học và nhiều ngành khoa học xã hội như ở tuổi ông lại có sức làm việc kỳ lạ, giàu khát vọng và muốn cống hiến cho đời khi đã sang tuổi 100 đến thế! Giáo sư là cộng tác viên lâu năm của Báo Công Thương với hàng loạt bài viết về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những tâm huyết dành cho ngành Công Thương, cho giới doanh nhân, cho hàng Việt...

Nhân ngày sinh nhật lần thứ 100 của ông, Báo Công Thương xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – viết về người Anh, người Thầy của mình.

GIÁO SƯ VŨ KHIÊU - NGƯỜI THẦY CỦA CHÚNG TA

Ở nước ta ai cũng biết Vũ Khiêu như là một nhà khoa học xã hội hàng đầu, ngay đợt đầu 1995, Nhà nước phong tặng Gaiir thưởng Hồ chí Minh, trong danh sách đã có Vũ Khiêu với 3 tác phẩm nổi tiếng: Mỹ học, Đạo đức học và Văn hóa học. Và suốt mấy thập kỷ trước khi nghỉ hưu, ông tham gia lãnh đạo Viện Triết học, tham gia thành lập Viện Xã hội học, rồi được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam)… Chức danh của ông là Giáo sư, nên ai cũng biết ông là thầy giáo. Các bạn đồng nghiệp thì biết chắc chắn là ông đã là cán bộ giảng dạy, rồi Giáo sự của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), các trường của ngành Văn hóa… Năm 2000, Giáo sư Vũ Khiêu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới.

gs15-1633166402.jpg

Giáo sư Vũ Khiêu viết lời chúc tặng Báo Công Thương nhân dịp đầu Xuân mới Ảnh: Cấn Dũng

Riêng tôi, lần đầu tiên tôi được biết và gặp (thấy mặt) anh Vũ Khiêu vào năm 1964 tại một buổi sinh hoạt khoa học của Viện Khoa học giáo dục mà anh là người trình bày về một vấn đề Đạo đức học. Tôi viết là “thấy mặt” – vì lúc đó tôi mới là một cán bộ giảng dạy trẻ, chưa gặp anh bao giờ, nên chưa đến trò chuyện với anh, mà Vũ Khiêu hồi đó cũng trẻ, chúng tôi đều gọi bằng Anh, cho đến giờ cũng vậy. Tôi chăm chú nghe Anh thuyết trình vừa say sưa, vừa hùng biện, nói rất mạch lạc, dễ tiếp thu. Với tôi lúc đó, khoa học thật mênh mông, nhiều vấn đề có thể gọi là mông lung; nên cảm nhận người giảng học rộng, biết nhiều, nói câu nào ra câu ấy thật là sâu sắc, chí lý. Hồi học trung học (1949-1950, cấp II, bây giờ là trung học cơ sở), tôi đã thấy và nghe luật sư Nguyễn Mạnh Tường cãi ở tòa án (trường tôi tản cư cùng xã với tòa án tỉnh hà Nam lúc đó) và tôi phục ông đúng là một người nói hay. Đến khi vào Đại học Văn khoa Hà Nội (1954), tôi may mắn được là học trò của Giáo sư Trần Văn Giàu dạy triết học, tôi thấy mỗi bài giảng của thầy đúng là một bài nói chuyện cực kỳ hấp dẫn. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, bài giảng của Anh Vũ Khiêu đã để lại trong tôi ấn tượng vô cùng tốt đẹp.

Sau này, nhất là từ những năm sau Đại hội VI (1986), tôi có nhiều dịp được tiếp xúc, làm việc và nghe Giáo sư Vũ Khiêu trình bày về các đề tài khác nhau, với tôi Anh là một “thầy giáo – diễn giả”, giảng bài, nói chuyện rất uyên bác và hấp dẫn. Tôi học hỏi ở Anh được nhiều điều bổ ích cho nghiên cứu khoa học cũng như giảng dạy. Các vấn đề giáo sư nghiên cứu, giảng dạy có mối liên quan rất gần gũi với tâm lý học và giáo dục học – là chuyên môn của tôi, hơn nữa trong đó có một số vấn đề chính là các vấn đề của tâm lý học và khoa học nghiên cứu con người.

Giáo sư Vũ Khiêu mà suốt hơn 40 năm được quen biết, cộng tác, quan hệ giữa chúng tôi ngày càng đậm đà, tình nghĩa. Tôi vẫn gọi Anh là Anh Vũ Khiêu (tuy Anh hơn tôi vừa đúng 20 tuổi) và tôi cũng cảm nhận tình cảm quý báu Anh dành cho tôi.

Anh luôn sát cánh, dành nhiều thời gian tham dự các cuộc họp và hội thảo quan trọng của Viện Nghiên cứu con người. Anh đã cho công bố một số bài của Anh trong một số kỷ yếu và Tập san Nghiên cứu con người.

Gần đây, cả nước biết đến biệt tài viết văn tế của giáo sư, nhất là qua bài “Văn tế Giỗ tổ Hùng Vương” được viết với tất cả tấm lòng của người con đất Việt, nói lên nghĩa tình sâu nặng của con cháu với tổ tiên, lòng đầy tự hào về Tổ quốc vinh quang của một dân tộc nhân nghĩa và mưu trí “Giữ muôn đời Hồng Lạc tinh hoa” luôn luôn lạc quan hướng về tương lai “Trước tương lai mở rộng tâm hồn” với giáo dục là động lực thúc đẩy “Vì sự nghiệp nâng cao trí tuê”.

Vũ Khiêu thực sự là người thầy của chúng ta…

PV