Đường 20-Quyết thắng và bài văn bia của giáo sư Vũ Khiêu

02/10/2021 15:49

Do yêu cầu nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường ngày càng lớn và khẩn trương để phá thế độc quyền, giành thế chủ động trên mặt trận giao thông vận tải, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở thêm tuyến đường 20.

Đường 20 có vị trí bắt đầu từ Km 00 ở cửa rừng xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch đến ngã ba Lùm Bùm thuộc huyện Ăng-khăm ở tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào. Các Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 bộ đội công binh cùng với công trường 20 của Bộ Giao thông vận tải bao gồm các đơn vị cơ giới, các đơn vị thanh niên xung phong các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh đảm nhận nhiệm vụ lịch sử trọng đại mở tuyến đường 20.

Đây là tuyến đường khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt, bị địch đánh phá suốt ngày đêm. Có thể nói, mặt đường đã trộn lẫn máu và mồ hôi của các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn và thanh niên xung phong. Bất chấp bom đạn ác liệt của giặc Mỹ, các chiến sĩ Trường Sơn và thanh niên xung phong đã bám trụ mặt đường dũng cảm và sáng tạo: xẻ núi, bạt đồi, bắc cầu, lấp suối, đắp ngầm. Trên 8.000 chiến sĩ, cán bộ công nhân kỹ thuật với 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá, bắc cầu qua khe, qua suối, mở xong tuyến đường dài 123km.

gt0-1633164492.jpg
Đài Chiến thắng do Lữ đoàn 249-Bộ Tư lệnh Công binh lập năm 2005 tại bến phà Xuân Sơn (km 00) đường 20 Quyết Thắng ghi nhận chiến công của đơn vị trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Ảnh: P.V

Ngày 5-5-1966, Đường 20-Quyết Thắng được khai thông. Cửa khẩu thông xe đường 20 vượt qua đỉnh Trường Sơn được mở. Hàng ngàn đoàn xe cơ giới vận chuyển sức người, sức của chi viện cho các chiến trường.

Từ đây, hàng ngày trên tuyến đường của tuổi 20 và ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược có hàng ngàn người tham gia vận chuyển, có các đại đội tham gia chiến đấu bảo vệ đường, bảo vệ cho các đoàn xe ra tiền tuyến do Ban 67, Đoàn 559 phụ trách.

Thấy được vị trí chiến lược và tầm quan trọng của tuyến đường, giặc Mỹ đã thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt suốt ngày đêm với đủ các loại bom đạn, các loại máy bay, kể cả máy bay B52 ném bom rải thảm. Đặc biệt chúng đánh vào các trọng điểm A.T.P, trọng điểm Trà Ang ở điểm cao 150m, dài 5km, các trọng điểm từ Km 00 đến Km 10, Km 14.

Có thời điểm không thể chuyển xăng trực tiếp qua trọng điểm mà phải vần từng thùng xăng xuống suối theo dòng Trà Ang đến Km 14, Km 13 rồi lại kéo ngược và đưa từng phuy xăng lên. Chỉ tính riêng trong 6 ngày (từ 25-9 đến ngày 1-10-1968) kéo được 30 phuy xăng đến địa điểm tập kết thì đã có 29 người hy sinh vì bom đạn giặc Mỹ.

Tại tập đoàn trọng điểm A.T.P (đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) có đợt giặc Mỹ ném bom suốt 87 ngày đêm liên tục làm hàng trăm người bị thương và hy sinh.

Tại Km 16,5, ngày 14-11-1972, trong loạt tên lửa Mỹ bắn xuống làm sập cửa một hang đá, 8 thanh niên xung phong đã cùng hy sinh trong hang. Ngoài ra, còn biết bao sự hy sinh oanh liệt của hàng ngàn chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong trên các tọa độ lửa dọc tuyến đường 20.

Các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh thân mình để khai thông và bảo vệ tuyến đường, bảo đảm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ruột thịt và cho tình đoàn kết 3 nước anh em Việt Nam-Lào-Campuchia mãi mãi vững bền, cho giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cho chúng ta có cuộc sống hôm nay và cho các thế hệ tương lai.

Chiến tranh đã đi qua 40 năm và dẫu bánh xe lịch sử cứ đi về phía trước thì tâm hồn, tình cảm và ý chí của các liệt sĩ ở tuổi 20 trên mảnh đất này, trên tuyến đường lịch sử này mãi mãi vọng vang và giục giã chúng ta đi tiếp trên con đường đổi mới của Đảng.

Tổ quốc, cả dân tộc Việt Nam, đồng bào, chiến sĩ, đồng đội và gia đình của các liệt sĩ anh linh mãi còn nghe và ghi lòng tạc dạ công lao của các anh cùng với huyền thoại về Đường 20-Quyết Thắng, đường Hồ Chí Minh-những tuyến đường lịch sử đã đi vào trái tim và tri thức của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Nguyện vọng thiêng liêng, chính đáng của hầu hết mọi người đến đây là còn muốn được dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Với tinh thần nói trên, việc xây dựng nhà tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở Đường 20-Quyết Thắng là cực kỳ cần thiết và có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Để thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của cán bộ và nhân dân ta-những người đang sống, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Bình thấy cần thiết phải có một bài văn bia phản ánh được tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường của các liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường 20-Quyết Thắng.

Để làm việc này, tháng 6-2005, chúng tôi đã thay mặt tỉnh đến gặp Giáo sư Vũ Khiêu để nhờ Giáo sư viết cho bài văn bia. Giáo sư đã soạn thảo nhiều bài văn tế và văn bia nổi tiếng như bài chúc văn Giỗ tổ Hùng Vương năm 2000 và những văn bia về Lý Thái Tổ ở Hoa Lư, về liệt sĩ quận Hồng Bàng tại Hải Phòng...

Khi tôi đặt vấn đề này, Giáo sư Vũ Khiêu đã ngần ngại vì tuổi cao sức yếu, sợ không đảm nhận được công việc. Nhưng sau khi nghe tôi trình bày kỹ về tinh thần hy sinh cao cả của bao nhiêu liệt sĩ Trường Sơn thì giáo sư đã rất xúc động và hứa sẽ hoàn thành bài văn trong vòng nửa tháng.

Tiếc rằng, sau khi nhận lời với chúng tôi được một tuần thì giáo sư đã phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện để mổ. Sau khi nghe tin, chúng tôi vào bệnh viện thăm thì thấy giáo sư mới mổ được ba ngày đã cố gắng nằm đọc cho cô cháu gái viết bài văn bia mà giáo sư đang suy nghĩ và sáng tác trên giường bệnh.

Tôi khuyên giáo sư hãy nghỉ ngơi và bảo trọng sức khỏe, còn bài văn bia thì đành để sau vậy. Nhưng giáo sư không nghe và hứa rằng một tuần nữa sẽ hoàn thành để kịp kỷ niệm ngày 27-7 năm đó. Và quả nhiên đúng ngày 10-7-2005, chúng tôi bất ngờ nhận được bản thảo. Với tấm lòng kính phục sâu sắc, chúng tôi đã ra Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn và chúc giáo sư sớm bình phục.

Sau đây là nguyên văn bài văn bia của Giáo sư Vũ Khiêu:

Đây đường 20-Quyết thắng

Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng
Tỏa sáng mười phương gương dũng kiệt
Quân thù thuở ấy
Càng thêm rõ mặt hung tàn
Vẫn cứ ra tay bắn giết
Chặn quân dân: từ miền Bắc anh em
Ngăn võ khí: đến miền Nam ruột thịt
Dòng Bến Hải đã hai bờ cách biệt
Đỉnh Trường Sơn còn một dải máu xương!
Tử sinh: thử sức kiên cường
Ta địch: đối đầu quyết liệt
Quân dân ta anh hùng bất khuất
Thanh niên xung phong trên đất thép Quảng Bình
Bộ đội Trường Sơn dưới trời thiêng
Đại Việt:
Bạt đồi xẻ núi, rộng đường cho thiết
giáp xông lên
Lội suối bắc cầu, mở tuyến để pháo
binh chuyển tiếp
Dù cho máu chảy xương rơi.
Chẳng kể bom gầm đạn thét
Giúp quân ta ngàn dặm rồng mây
Đánh kẻ địch trăm lần sấm sét
Bao máy bay vỡ xác tan tành
Những giặc lái nộp mình run khiếp
Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông
Đường trăm trận sá gì sống chết
Tỏ cùng trời đất tấm trung can
Dãi với non sông bầu nhiệt huyết
Ngày hôm nay
Đường 20: một miếu khang trang
Đỉnh Quyết thắng: trăm cờ khánh tiết
Tưởng niệm những anh hùng
Xót thương bao nghĩa liệt
Tuổi chẳng thọ, nhưng huân công mãi
mãi trường tồn
Thân dù tan, mà khí phách đời đời bất
diệt
Dựng tấm bia để ngàn thuở còn ghi
Viết bài phú để trăm vùng được biết
.

***

Mùa thu năm Ất Dậu (2005). Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình dựng bia, Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn lời.

Lê Hùng Phi