Giáo sư Vũ Khiêu - Tâm và tầm trong khoa học

02/10/2021 14:55

Với tôi, Giáo sư Vũ Khiêu là bậc quá lớn trên nhiều phương diện: tuổi tác, kiến thức và vị thế xã hội. Tưởng như cái bóng quá lớn của ông sẽ làm tôi không bao giờ có thể gần ông được. 

​​​​​​Nhưng rồi, quá trình nghiên cứu khoa học đã giúp tôi đã có những cơ may được làm việc với ông, được ông ủng hộ, giúp đỡ. Tôi càng thấy cái Tầm và cái Tâm của ông với khoa học thật sự lớn, qua hai kỷ niệm của tôi với ông.

Kỷ niệm thứ nhất, vào năm 2000, Sở VHTT Hà Nội triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học nhiều năm để chuẩn bị kỷ niệm 995 năm và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhiều nhà khoa học ở các cơ quan đã hưởng ứng, xây dựng đề cương để bảo vệ và thực hiện trong năm 2001. Có 10 đề tài dự định được duyệt.

Tôi cũng hăng hái làm đề cương cho đề tài “Từ truyền thống của các làng khoa bảng đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô hôm nay”. Không may cho tôi, đề cương đề tài của tôi là đề tài thứ 11 (“dôi” một đề tài so với “tiêu chuẩn”) và một điều khác, “bất lợi” cho tôi: trong số 11 nhà khoa học gửi đề cương, tôi là người duy nhất không giữ một chức trách quản lý nào và là hai trong 11 người không có học hàm.

aap16j5-1633161277.jpg
Giáo sư Vũ Khiêu và tác giả bài viết. Ảnh: NVCC

Hôm bảo vệ đề cương các đề tài, GS. Vũ Khiêu là chủ tịch Hội đồng. Mọi thứ có vẻ “xấu” với tôi, khi tôi là người bảo vệ cuối cùng, các đề tài khác bảo vệ trước dường như đã “thông đồng bén giọt”; hơn nữa, tại phiên bảo vệ của tôi, một thành viên của Hội đồng đã bác bỏ khái niệm “Làng khoa bảng” mà tôi đưa ra.

Nhiều thành viên Hội đồng có vẻ ủng hộ ý kiến phản biện đó. Tôi bình tĩnh bảo vệ luận điểm của mình. GS. Vũ Khiêu chăm chú nghe, thỉnh thoảng ông gật đầu nhẹ.

Nêu ý kiến kết luận, Giáo sư cho rằng, tôi có lý, văn hiến Việt Nam thể hiện ở một phần các danh nhân khoa bảng và ở các làng có truyền thống học hành, đỗ đạt, cần ủng hộ đề tài của tôi.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng lại lo đề tài của mình “nằm ngoài” 10 đề tài sẽ được duyệt. Và tôi lại trút được nỗi lo, thậm chí mừng thầm khôn xiết khi GS. Vũ Khiêu có ý kiến với vị Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội có mặt tại đó, rằng, đề tài của tôi có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, đề cương thuyết phục, cần được ủng hộ để nghiên cứu.

Giáo sư còn nói thêm, đề tài của tôi chỉ xin có 60 triệu đồng, thành phố có thiếu tiền đâu mà không duyệt (tôi biết “thân biết phận”, chỉ xây dựng kinh phí với mức khiêm tốn như vậy, trong khi các đề tài khác xây dựng từ 80 - 100 triệu đồng).

Sau đó, đề tài của tôi được triển khai và cuối năm 2001 được bảo vệ với số điểm cao thứ hai trong 11 đề tài. Càng vui hơn khi các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị cho đề tài của tôi được tiếp tục và tôi lại được cấp thêm một khoản kinh phí để thực hiện.

Sau này bản thảo của đề tài được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in thành sách dưới tiêu đề “Các làng khoa bảng Thăng Long Hà Nội” (năm 2004, đến năm 2010 được tái bản). Sách đứng được  với bạn đọc.

Kỷ niệm thứ hai, gần cuối năm 2012, tôi hoàn thành bản thảo sách “Bát Tràng - làng nghề, làng văn”. Ban Đại diện nhân dân làng Bát Tràng cùng tôi đến nhà Giáo sư Vũ Khiêu để nhờ ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách.

Khi chúng tôi đến, Giáo sư đã trang phục tề chỉnh, đợi. Vì đã nghe trao đổi qua điện thoại từ trước, nên GS vào việc ngay. Khi nhận bản thảo sách (gần 400 trang đánh máy), Giáo sư nói vui “Bản thảo dài thế này thì thời gian lấy Lời giới thiệu hơi lâu đấy và nhuận bút cao đấy”, làm tất cả cùng cười vui.

Sau đó, Giáo sư bảo cô thư ký ghi cẩn thận các phần việc, lịch hẹn với tôi và các cụ làng Bát Tràng, tất cả đều mạch lạc, khiến tôi và các cụ làng Bát Tràng thán phục, vì khi đó, Giáo sư đã ở tuổi 97. 

Khoảng một tuần sau, Giáo sư gọi điện thoại bảo tôi đến nhà. ông đưa tôi Lời giới thiệu và bảo: "Anh đọc lại đi, có phải sửa gì để tôi sửa”.

Tôi đọc và kính phục, vì chỉ trong một tuần, Giáo sư đã có một Lời giới thiệu rất sát, bao quát hết được nội dung bản thảo. Tôi xin phép ông mang văn bản về Bát Tràng để chuyển cho Nhà xuất bản Hà Nội.

Trước khi tôi ra về, Giáo sư căn dặn “Anh cần rà soát lại toàn bộ nội dung bản thảo để tránh sai sót. Những công trình về địa phương như thế này, cần phải hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót”.

Nghe lời Giáo sư, sau này, khi chữa bông  cho sách, tôi đã cố gắng tới mức cao nhất rà soát lại những chỗ nghi ngờ về nội dung của bản thảo, cả lỗi kỹ thuật.    

Có thể nói, trong nhiều may mắn của đời làm khoa học của tôi, có may mắn được làm việc, hơn nữa được sự ủng hộ của Giáo sư Vũ Khiêu với tầm và tâm khoa học lớn lao.

Giờ đây, Giáo sư Vũ Khiêu đã đi xa. Xin thành kính biết ơn ông và mong ông thanh thản ở cõi vĩnh hằng. 

PGS.TS BÙI XUÂN ĐÍNH
Bạn đang đọc bài viết "Giáo sư Vũ Khiêu - Tâm và tầm trong khoa học" tại chuyên mục Diễn đàn.