Giáo sư Vũ Khiêu - vẻ đẹp trí tuệ Việt Nam

02/10/2021 15:45

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu là một  học giả lớn, một trí thức tiêu biểu của đất nước. Ông là người xây dựng, tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học.

Ngày 17-9 vừa qua, GS.Vũ Khiêu thượng thọ 100 tuổi nhưng vẫn luôn là tấm gương sáng trong cuộc sống, học tập, lao động, nghiên cứu và sáng tạo-là biểu tượng của vẻ đẹp trí tuệ của người nghệ sĩ đích thực... 

GS.Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, H. Xuân Trường, tỉnh Nam Định.  Ông tốt nghiệp tú tài Trường Bonnal  Hải Phòng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công làm công tác tuyên huấn ở Khu 10, rồi Khu Việt Bắc, Tây Bắc, trực tiếp có mặt tại tiền tuyến từ Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã viết gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn với tập thể chừng 30 cuốn nữa ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào... Trong đó, các tác phẩm nổi bật: Đẹp, Anh hùng và nghệ sĩ, Cách mạng và nghệ thuật,  "Cao Bá Quát", "Ngô Thì Nhậm", "Nguyễn Trãi", "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam", "Bàn về văn hiến Việt Nam"...

h6a-1633164282.jpg
Bức tranh thêu chân dung GS. Vũ Khiêu trưng bày tại Đà Nẵng (năm 2010).

Ngoài những công trình nghiên cứu văn học, triết học, GS. Vũ Khiêu còn là người có sở trường về câu đối, văn tế, phú... Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ ở Hoa Lư, Phù Đổng Thiên Vương phú, Chúc văn tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn bia về Trần Đăng Ninh, Văn bia đường 20 - Quyết Thắng Quảng Bình, bài minh trên chuông xã Bát Tràng, nhất là Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương... là các áng văn quý giá của GS Vũ Khiêu được lưu khắc tại các đền thờ anh hùng, đền miếu khắp cả nước khiến chúng ta thêm yêu truyền thống, ngôn ngữ, văn hóa đất nước mình.

Ông tâm niệm về nghề văn: "Phải có xúc động chân thành, sâu sắc và tư tưởng rộng lớn khi cầm bút". Những năm gần đây, ngoài việc đọc duyệt và góp phần biên soạn Tủ sách Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn, mỗi cuốn dày hơn 1.000 trang, GS. Vũ Khiêu lại vừa chuyển tới Nhà xuất bản Hà Nội một bộ sách dày 2.400 trang mang tên "Văn hiến Thăng Long" mà ông lặng lẽ chấp bút từ hơn 10 năm qua. Ông nói: "Trước sự cổ vũ của bạn bè hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi. Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của Trời. Tôi chỉ biết hứa với bè bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó". Ở tuổi 100 mà GS vẫn thúc bách cần sáng tạo, cần sản sinh tác phẩm đa dạng. Ông đã vượt qua mọi giới hạn của đời thường để sống và cống hiến phi thường. Mỗi đêm, ông chỉ ngủ tối đa 4 tiếng. "Không được ngủ nhiều, hơn 12 giờ đêm ngả lưng, 4 giờ sáng dậy viết. Viết bằng đầu"-ông thường nói.

Đáng trân trọng hơn, mặc dù là người từng nhận được nhiều giải thưởng cao quý, nhưng ông không bao giờ thể hiện tính  phô trương. Danh thiếp của ông chỉ in tên "Vũ Khiêu" và số điện thoại, địa chỉ. Những bài viết về ông, nếu có điều kiện đọc được trước khi in, ông luôn gạch bỏ những câu từ khen thưởng dài dòng. Bởi theo ông: "Giá trị chân chính của người trí thức không phải ở chỗ họ lặp lại những câu chữ của thánh hiền, mà ở chỗ họ đã có những cống hiến gì trong khi vận dụng những kiến thức ấy vào thực tiễn". Ông được Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên - 1996 và phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - 2010, được vinh danh là một trong 11 công dân ưu tú của Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Dịp đó, những người thợ thêu XQ Sử Quán (Đà Lạt) đã tặng ông bức chân dung độc đáo, thêu tay hai mặt, khung thêu đúng bằng chiều cao thật của GS. Bức tranh chân dung GS. Vũ Khiêu cùng những tuyệt tác tranh thêu được xếp vào Guinness của XQ Sử Quán đã được giới thiệu với công chúng Đà Nẵng và nhiều thành phố lớn trước khi trưng bày tại Lễ hội 1.000 năm Thăng Long. Đứng trước bức tranh ấy, một người thưởng ngoạn bày tỏ: "Cái mà chúng tôi nhìn thấy được khi ấy không phải là một vị Giáo sư đáng kính, càng không phải là bức chân dung thêu tay của ông mà chính là chúng tôi đang ngắm nhìn một CON NGƯỜI, một NHÂN CÁCH, một TRÍ TUỆ vĩ đại mà thôi".

Bạn đang đọc bài viết "Giáo sư Vũ Khiêu - vẻ đẹp trí tuệ Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn.