Giáo sư Vũ Khiêu là một trong những người con ưu tú ấy - Ông sinh ra ở làng Hành Thiện xã Xuân Hồng, là người ham học và học giỏi ngay từ khi còn nhỏ tại trường Tiểu học ở Làng (nay là Trường Tiểu học A Xuân Hồng); đã tốt nghiệp Tú tài tại trường Bonal ở Hải Phòng… Với lòng yêu nước nồng nàn, Giáo sư tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, cùng tập hợp và làm việc với nhiều nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng. Với bản tính cần mẫn, Giáo sư đã miệt mài đi sâu, say mê nghiên cứu và gặt hái thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Văn hoá nghệ thuật, chính trị, triết học, xã hội học…
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Giáo sư đã làm Giám đốc Sở Văn hoá khu 10 tại Việt Bắc, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; là người xây dựng, tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên của Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện xã hội học, người đứng đầu Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội. Giáo sư đã từng giảng dạy tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều trường Đại học; giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam trong nhiều năm; tham gia nhiều hoạt động đối ngoại lớn của Nhà nước…
Là học giả uyên bác về văn hoá Đông - Tây, Giáo sư đã biên soạn và xuất bản nhiều tác phẩm quan trọng về văn hoá và lịch sử có giá trị và ý nghĩa to lớn không chỉ cho ngày nay mà cho cả mãi mãi về sau. Trong đó có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Đẹp (1963), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979); đặc biệt là công trình khoa học đồ sộ và giá trị “Bàn về văn hiến Việt Nam”…
Với những cống hiến lớn lao và đặc biệt xuất sắc cho đất nước, Giáo sư đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1995), phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006), được nhận danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội (năm 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Là tấm gương lớn về tinh thần tự học, lao động say mê và sáng tạo; suốt đời cống hiến cho khoa học, cho cách mạng, cho dân tộc, Giáo sư luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho mọi người; luôn được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, các tập thể, cá nhân, nhân dân rất nhiều địa phương; bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước; đảng bộ, nhân dân huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định tin yêu kính trọng.
Điều quan trọng và vui mừng hơn cả là mấy thập kỷ qua dù đã ở tuổi “Thất thập”, “Bát tiên”, “Cửu phẩm”, “Bách niên” nhưng tinh thần, trí tuệ của Giáo sư vẫn minh mẫn, sáng suốt; vẫn tiếp tục làm việc và có những cống hiến quan trọng cho đất nước, quê hương. Giáo sư đã nói “Vào tuổi 85, được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, tôi nghĩ rằng, đã là anh hùng thì sao có thể có ngày nghỉ. Tôi lại quyết tâm trở về với công việc và nguyện từ đây cho đến lúc xuôi tay, tôi sẽ không có một ngày nào nghỉ”. Hiện tại, Giáo sư vẫn đang dành thời gian, công sức, trí tuệ cho việc biên soạn bộ sách “Văn hiến Thăng Long”; trong đó ba tập 2400 trang được phát hành vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ Đô…
Có thể nói, sự nghiệp của Giáo sư gắn liền và góp phần rất quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam ta. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân sỹ, trí thức nổi tiếng đã bày tỏ sự kính trọng, yêu mến đối với Giáo sư. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đề tặng Giáo sư “Hai bàn tay trắng không vương bụi - Một tấm lòng son ở với đời”. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói “Bác Vũ Khiêu là nhà hoạt động xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khoa học, nhân văn, đã ghi đậm dấu ấn không những đối với các nhà khoa học trong nước mà còn cả với những nhà khoa học nước ngoài và đông đảo các tầng lớp nhân dân”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề tặng Giáo sư câu đối “Triết gia trong cách mạng - Nghệ sỹ giữa anh hùng”. Cố Giáo sư Trần Văn Giàu đánh giá “Giáo sư là người có nhiều tư tưởng sâu về triết học, văn hoá và nghệ thuật. Con người của Vũ Khiêu, thoạt trông đã mến rồi, đã tin rồi. Tôi thấy Vũ Khiêu có cái trán cao, hai mắt sáng, trán và mắt của trí giả, có cái miệng bao giờ cũng như mỉm cười, ấy là con người cởi mở, bao dung”…
Là người Xuân Trường, Nam Định, Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu luôn nặng lòng với quê hương, dành cho quê nhà những tình cảm tốt đẹp, thân thương; luôn trăn trở, góp nhiều ý kiến quý báu với các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh với lòng mong muốn quê nhà phát triển, hưng thịnh. Giáo sư luôn quan tâm, khuyến khích việc học; việc duy trì và phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá riêng có của huyện, của tỉnh. Những năm qua mặc dù tuổi cao kể cả khi không được khoẻ Giáo sư đã luôn hướng về quê hương, thăm hỏi động viên, tặng câu đối, lời chúc khi có sự kiện lớn; dành thời gian về thăm trường học cũ; hàng năm vẫn về dự lễ Hội chùa Keo làng Hành Thiện, dự khai giảng năm học mới tại trường THPT mang tên bút danh Cao Phong của Giáo sư tại quê nhà. Giáo sư đã thể hiện sâu sắc tấm lòng mình bằng việc tặng huyện Xuân Trường khi tái lập huyện đôi câu đối: “Nam phong hào khí thiên thư định - Xuân sắc Tình vân địa mạch Trường”, tặng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2005-2010 đôi câu đối “Mừng Đại Hội vươn cao trí tuệ - Chúc quê hương toả sáng tài năng”, tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2010-2015 Giáo sư thay mặt Hội đồng hương Xuân Trường tại Hà Nội tặng đôi câu đối “Nắm vững lòng dân cùng phấn đấu - Phất cao cờ Đảng để thành công”. Giáo sư tặng Đảng bộ tỉnh câu đối: “Vươn cao khí thế Đông A, tiếp bước hiền tài xây sự nghiệp - Tỏ rõ tinh thần Nam Định, mở đường giầu mạnh hướng tương lai”.
Niềm vinh dự của Giáo sư cũng là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Xuân Trường, của dòng họ và gia đình. Người Xuân Trường thật sự trân trọng tài trí, đức độ, tấm lòng, tình cảm, sự cần mẫn, siêng năng, sự quan tâm và những đóng góp của Giáo sư cho quê hương, đất nước. Ngày 14/9/2014 Hội đồng hương Xuân Trường tại Hà Nội đã tổ chức mừng Đại thọ Giáo sư tuổi 100. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, doanh nghiệp, bà con Hội đồng hương, thân quyến cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Xuân Trường, xã Xuân Hồng và các xã của huyện Xuân Trường đã về dự chúc mừng Giáo sư. Bằng tình cảm và trách nhiệm Đoàn đại biểu huyện Xuân Trường đã phát biểu, tặng hoa, tặng lụa, chúc Giáo sư sống vui, sống khoẻ, trường thọ. Ngày 15/9/2014 Tỉnh uỷ - HĐND- UBND - UBMTTQ tỉnh Nam Định đã tổ chức mừng Đại thọ Giáo sư tại Tỉnh uỷ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo các sở ngành đã đến dự chúc mừng Giáo sư. Đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu chúc mừng, ghi nhận những cống hiến quan trọng của Giáo sư cho đất nước, quê hương.
Trong lời phát biểu của mình Giáo sư đã bày tỏ sự vui mừng, xúc động, trân trọng cảm ơn sự quan tâm, lời chúc mừng của đại diện các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền; cảm ơn tấm lòng ưu ái, trìu mến, thân thiết của bạn bè, anh em, đồng chí. Giáo sư khẳng định linh khí thiêng của đất nước, hào khí Đông A và truyền thống quê hương, tinh thần của các bậc danh nhân của quê nhà đã truyền nhiệt huyết, hun đúc lên phẩm chất của Giáo sư, mang lại cho Giáo sư niềm vinh hạnh. Giáo sư nguyện dù bước vào tuổi 100 vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến, hoàn thành nhiều dự định của mình vào năm 103 tuổi.
Giáo sư là một tấm gương, một nhân cách đầy nghị lực, một lối sống và tấm lòng nhân ái, khoan dung rất đáng trân trọng, rất tự hào cho quê hương. Giáo sư thật xứng danh với quê hương Xuân Trường anh hùng, quê hương Cố Tổng Bí thư Trường Chinh kính mến./.