Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh năm 1916, tại "làng khoa bảng" Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).
Sinh ra ở mảnh đất có truyền thống cách mạng, ông sớm tham gia cách mạng từ tuổi niên thiếu, làm công tác tuyên huấn ở chiến khu Việt Bắc. Ông từng là Trưởng ban Tuyên huấn của chiến khu Việt Bắc, thuộc đội cận vệ già, thế hệ cận vệ đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo sư Vũ Khiêu phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2010) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2), ngày 15/9/2010 |
Sau hòa bình năm 1954, ông chuyển sang làm nghiên cứu xã hội học và văn hóa. Ông chính là người sáng lập và gây dựng ngành xã hội học cho Việt Nam, là một học giả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học Việt Nam; nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Việt Nam Thông tấn xã giai đoạn 1957-1958; nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam).
Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn. Cuộc đời cách mạng và công tác của Giáo sư Vũ Khiêu phần lớn gắn bó với Hà Nội. Giáo sư Vũ Khiêu được nhiều người "phong" là nhà Nho cuối cùng của Việt Nam.
Với những cống hiến lớn lao và đặc biệt xuất sắc cho đất nước, Giáo sư đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996), phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2006), được nhận danh hiệu Công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội (năm 2010) và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Ông còn là một trong những người được phong hàm giáo sư đầu tiên ở Việt Nam, đã xuất bản hàng trăm cuốn sách viết chung và riêng, ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn, viết về các danh nhân, nhà văn hóa, nhà văn Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đình Chiểu... Trong đó, có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Đẹp (1963), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979); đặc biệt là công trình khoa học đồ sộ và giá trị “Bàn về văn hiến Việt Nam”, 3 tập, dày gần 1.500 trang.
Ngoài ra, ông còn dồn tâm sức tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội; đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang.
Chưa kể Giáo sư Vũ Khiêu còn trực tiếp tham gia hàng trăm hội thảo về Hà Nội-Thăng Long cùng nhiều đề tài văn hoá xã hội khác. Ông còn được Đảng, Nhà nước và các địa phương tin tưởng, đặt hàng soạn nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối... tại nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; hoặc trong các đền đài, các công trình văn hoá, ca ngợi, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc.
Thực sự, nếu không miệt mài làm việc, coi lao động như mục tiêu của cuộc đời thì làm sao ông có thể hoàn thiện từng ấy tác phẩm, từng ấy trọng trách khi thân thể và trí óc đã trải qua hơn một thế kỷ với đất trời.
Không phải ai cũng có được nguồn năng lượng như Giáo sư Vũ Khiêu. Và không phải ai cũng làm được kỳ tích như Giáo sư Vũ Khiêu - một hiện tượng hiếm có trong đời sống xã hội hôm nay.